Thăm Việt Nam, Thủ tướng Suga thúc đẩy thay đổi chuỗi cung ứng

Google News

Trong số 30 công ty Nhật được chính phủ trợ cấp để dịch chuyển sản xuất, một nửa có kế hoạch thành lập nhà máy tại Việt Nam.

Nhật Bản và Việt Nam dự kiến nhất trí tạo điều kiện cho dòng chảy thiết bị y tế và hàng hóa khác qua biên giới khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thăm Hà Nội vào tuần tới, các nguồn tin chính phủ nói.
Việc này được xem là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Nhật Bản, sau khi đại dịch virus corona bùng phát, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, theo báo Mainichi.
Tham Viet Nam, Thu tuong Suga thuc day thay doi chuoi cung ung
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ thăm Việt Nam vào đầu tuần tới. Ảnh: Reuters. 
Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu đối với phần lớn thiết bị y tế. Khi nhu cầu về khẩu trang gia tăng sau sự bùng phát của Covid-19 đầu năm nay, nhiều cửa hàng đã phải vật lộn để duy trì nguồn hàng trong khi các nhà sản xuất nội địa chạy đua để tăng sản lượng.
Trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường chi phối, Nhật Bản đang trợ cấp cho các công ty chuyển nhà máy sản xuất sang Đông Nam Á, nơi có vị trí địa lý tốt và có thể cung cấp nhân công tương đối rẻ.
Trong số 30 công ty đã được chọn để nhận trợ cấp, bao gồm các nhà sản xuất hàng hóa từ áo choàng y tế đến các bộ phận động cơ ôtô, một nửa đang có kế hoạch thành lập nhà máy tại Việt Nam, theo Mainichi.
Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Suga dự kiến cũng có bài phát biểu tại Đại học Việt Nhật. Đây là biểu tượng của hoạt động trao đổi giáo dục song phương, được thành lập tại Hà Nội vào năm 2016 với tài trợ từ cả hai chính phủ, theo các nguồn tin.
Bình luận về chuyến thăm, ông Akio Takahara, giáo sư tại Đại học Tokyo, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA), cho rằng Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng đối với Nhật Bản cả về kinh tế lẫn an ninh.
Chuyến thăm là "một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy mối quan hệ", ông nói với Zing. "Chúng ta có nhiều điểm chung, bao gồm việc cùng là thành viên của CPTPP".
CPTPP, hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, là một trong những thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới mà cả Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Thỏa thuận, có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, được kỳ vọng thúc đẩy giao thương giữa các nước ký kết.
"Chúng ta đang cùng ở trên một con thuyền", ông Takahara nói khi đề cập đến những thách thức từ cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn tại khu vực.
Thủ tướng Suga, người chọn Việt Nam cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, cũng mong muốn đạt được nhận thức tương tự với Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong chặng thứ hai của chuyến đi.
Ông Suga nhậm chức hồi giữa tháng 9, kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe sau khi ông Abe bất ngờ từ chức vì vấn đề sức khỏe. Ông Suga từng giữ chức chánh văn phòng nội các và được xem là cánh tay phải của người tiền nhiệm.
Theo Đông Phong/Zingnews.vn