Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua có cuộc gặp lịch sử tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Cũng tại sự kiện này, đội cận vệ nổi tiếng của ông Kim lại tái xuất trước ống kính.
Những vệ sĩ thân cận của ông Kim từ lâu đã gây nhiều tò mò cho truyền thông quốc tế. Nhiều người ấn tượng với hình ảnh những cận vệ mặc vest đen, mang cravat chạy theo chiếc xe bọc thép của ông Kim.
|
Đội cận vệ chạy theo xe của ông Kim Jong Un khi ông vừa rời nhà ga Đồng Đăng ở Việt Nam ngày 26/2. Ảnh: Reuters. |
Mô hình bảo vệ này đã được sử dụng tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 4/2018, cuộc gặp với ông Trump tại Singapore vào tháng 6 năm đó, rồi thượng đỉnh vào tháng 2/2019 tại Việt Nam.
Theo quyển sách mới xuất bản của Anna Fifield, nhà báo của tờ Washington Post, nhà lãnh đạo Triều Tiên có ý tưởng "lá chắn sống" từ một bộ phim của Clint Eastwood, diễn viên kiêm đạo diện nổi tiếng của Hollywood.
"Ông ấy xem bộ phim 'Trong tầm lửa đạn' khi còn nhỏ. Clint Eastwood đóng vai một mật vụ Mỹ, từng bảo vệ John F. Kennedy vào thời điểm ông bị ám sát năm 1963. Nhân vật của Eastwood cùng những đặc vụ khác chạy bộ cạnh xe của tổng thống", Fifield giải thích trong quyển sách của mình.
|
Phân cảnh nhân vật của Clint Eastwood chạy bộ theo xe limousine chở tổng thống Mỹ trong phim "Trong tầm lửa đạn". Ảnh: Alamy. |
Theo Lee Yeong Guk, một cựu cận vệ cho cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, trở thành cận vệ cho người đứng đầu đất nước "còn khó hơn chui lọt lỗ kim".
Những ứng viên tiềm năng được sàng lọc từ quân đội. Họ phải vượt qua nhiều bài kiểm tra về thể lực, thị lực, tính cách, lý lịch và cả ngoại hình. Cận vệ phải cao gần bằng ông Kim. Họ nằm trong số hiếm hoi những công dân Triều Tiên được vũ trang và đứng gần nhà lãnh đạo.
"Những người được giao nhiệm vụ làm cận vệ phải có bản lĩnh chính trị tuyệt vời và xuất thân từ những tầng lớp trung thành nhất", Fifield viết.
Tiết lộ với ABC News năm 2018, ông Lee Yeong Guk mô tả cận vệ phải giỏi bắn súng. Họ còn phải vượt trội về khả năng cận chiến như võ thuật và phóng dao. Ngoài ra, các cận vệ cũng phải giỏi bơi lội và duyệt binh theo đội hình. Yêu cầu lớn nhất vẫn là lòng trung thành tuyệt đối dành cho nhà lãnh đạo.
|
Cận vệ 3 nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc chen nhau đứng trong cuộc gặp ba bên tại DMZ. Ảnh: Getty. |
Theo Michael Madden, chuyên gia tại Viện Mỹ - Triều thuộc Trung tâm Stimson, các cận vệ của ông Kim thuộc biên chế "Văn phòng Trung ương số 6". Cơ quan này có tên gọi chính thức là Tổng cục Phụ tá sĩ quan (MOA).
Một khi được tuyển, các cận vệ phải trải qua chương trình huấn luyện khốc liệt. Những cận vệ được đào tạo theo đúng chuẩn của Lực lượng Biệt kích - nhóm có nhiệm vụ tấn công phủ đầu các cứ điểm trọng yếu ở Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Dù được vũ trang, điểm quan trọng nhất của những cận vệ này là kỹ năng quan sát và đánh giá tình hình của họ. Họ chủ trương vô hiệu hóa mọi mối nguy hiểm bằng tay không, hoặc dùng chính cơ thể của mình như một lá "chắn sống".
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Lê Thanh/Zing.vn