Trong bài xã luận trên tờ Daily Telegraph hôm nay, ông Keiichi Hayashi nhấn mạnh: “Đông Á hiện nay là một ngã tư. Có 2 con đường đang mở ra cho Trung Quốc. Một là đối thoại thiện chí và tuân thủ các quy định, luật pháp quốc tế. Một con đường khác là trở thành Chúa tể Voldemort trong khu vực với những hành động làm leo thang căng thẳng, chạy đua vũ trang. Về phần mình, Nhật không bao giờ làm leo thang căng thẳng”.
Tiếp đó, ông Keiichi Hayashi bày tỏ kỳ vọng: “Dù cho đến nay Trung Quốc không có thiện chí đối thoại, tôi chân thành hy vọng rằng, họ sẽ cấp tiến, hướng đến tương lai chứ không giữ mãi bóng ma quá khứ về “Chủ nghĩa quân phiệt” không còn tồn tại của 7 thập kỷ trước “.
|
Nhân vật phản diện Chúa tể Voldemort trong loạt truyện Harry Potter.
|
Chúa tể Voldemort là nhân vật phản diện chính – một tên trùm phù thủy ác độc nhất, là nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của thế giới phù thủy - trong bộ truyện đã được chuyển thể thành phim Harry Potter của nữ tác giả J. K. Rowling.
Những so sánh và bình luận của Đại sứ Hayashi đưa tranh cãi ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến vấn đề lịch sử sau chuyến thăm đền chiến tranh Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe xuất hiện ồn ào trên báo Anh.
Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming đã có một bài xã luận cũng trên Daily Telegraph, so sánh Nhật Bản với Chúa tể hắc ám Voldemort và kêu gọi London đứng về phía Bắc Kinh chống lại kẻ thù chung thời chiến tranh thế giới thứ 2. Bài xã luận của ông Lưu được đăng đúng vào ngày đầu tiên của năm mới (1/1) sau sự kiện Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni cuối tháng trước, dấy lên sự phẫn nộ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong bài xã luận, ông Liu Xiaoming chỉ trích gay gắt động thái thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe và kêu gọi "cộng đồng quốc tế nên đặt tình trạng báo động cao" đối với Nhật Bản.
“Nếu chủ nghĩa quân phiệt giống như ác quỷ Voldemort của Nhật Bản, đền Yasukuni ở Tokyo chính là “trường sinh linh giá” của Chúa tể Voldemort, đại diện cho phần đen tối nhất trong linh hồn của nước này”, ông Liu Xiaoming bình luận.
Phản bác lại luận điệu trên, ông Hayashi cho rằng Nhật Bản đã bày tỏ sự " hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành " đối với "sự đau khổ to lớn của người dân nhiều nước" mà chủ nghĩa quân phiệt của nước này từng gây ra trong quá khứ.
Đồng thời, Đại sứ Nhật khẳng định, Tokyo thời hậu thế chiến thứ 2 đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì hòa bình thế giới và "tiết chế ở mức tối đa trước mối đe dọa từ Trung Quốc". Ông Hayashi cũng nhấn mạnh, động thái thăm đền Yasukuni của ông Abe chỉ là để tỏ lòng tưởng niệm những người đã khuất chứ không phải “tôn vinh các tội phạm chiến tranh hay chủ nghĩa quân phiệt” như cáo buộc của Trung Quốc.
Bạch Dương (theo CNA)