Tuyệt vọng
Nhà báo CNN Anderson Cooper trong bài viết của mình chua chát nói rằng ở thành phố biển Tacloban đang diễn ra một hoạt động tàn phá chứ không phải công cuộc tái thiết. “Không có bằng chứng cho thấy có hoạt động tái thiết hay viện trợ được lên kế hoạch” – ông Cooper ca thán.
Cooper là một trong số các nhà báo quốc tế có mặt ở khu vực Visayas để đưa tin về thảm họa ở Philippines. Ông nói dù đã năm ngày trôi qua sau bão nhưng ông vẫn không rõ ai được phân công hỗ trợ tại khu vực này.
|
Người dân thành phố Tacloban sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ảnh: Reuters. |
“Đó là quang cảnh tuyệt vọng trong số các quang cảnh tuyệt vọng nhất mà tôi từng chứng kiến khi đưa tin về thảm họa. Bạn có thể mong đợi thấy một trung tâm cứu trợ ở nơi này nhưng chúng tôi hoàn toàn không thấy” – Cooper viết.
Ông Cooper thậm chí ca ngợi cách người Nhật Bản ứng phó với thảm họa sóng thần cách đây hơn hai năm rưỡi để ngầm chỉ trích công tác ứng phó thảm họa của chính quyền ông Aquino. Ông Cooper nói chỉ hai ngày sau thảm họa Fukushima, rất ít thấy thi thể nằm trên đường và các binh sĩ Nhật Bản dù chưa được trang bị các thiết bị hỗ trợ vẫn dùng gậy để tìm thi thể và những người sống sót.
Phóng viên Jon Donnison của BBC cũng đưa tin rằng “dường như không có một hoạt động hiệu quả nào để hỗ trợ những người cần được giúp đỡ”.
Một phóng viên của hãng AP lái xe vòng quanh thành phố Tacloban hơn 6km hôm 13/10 nhận xét: “Không có bằng chứng cho thấy có hoạt động phân phát thực phẩm, nước uống và thuốc men có tổ chức dù hàng tấn hàng viện trợ đã đến sân bay.
Một bản tin của tờ New York Times cho biết có một nhóm hỗ trợ y tế đến từ Médecins Sans Frontières tến đến đảo Cebu hôm 9/11 và tìm chuyến bay đến Tacloban vào ngày 12/11 nhưng được thông báo rằng sân bay Tacloban chỉ được dành cho quân đội Philippines.
Chưa chuẩn bị đầy đủ
Thư ký nội các Philippines Rene Almendras thừa nhận trong một cuộc họp báo ở Malacañang rằng chính quyền Aquino chưa chuẩn bị đầy đủ để đối phó với thảm họa nhân đạo có mức độ ảnh hưởng lớn như lần này.
Tổng thống Aquino gặp các quan chức cao cấp xem lại bản kế hoạc ứng phó bão giữa lúc nhiều hãng truyền thông trong nước và quốc tế chỉ trích sự chậm chạp của chính quyền nước này trong việc hỗ trợ các nạn nhân vì cơn bão đã đi qua năm ngày nhưng chính quyền Philippines vẫn chưa tiếp cận hết những khu vực bị ảnh hưởng của siêu bão.
Almendras giải thích khả năng vận chuyển hạn chế và các vấn đề hậu cần khiến chính quyền nước này không đưa thực phẩm, thuốc men và những hàng hóa viện trợ đến người dân ở Visayas sớm được.
“Chúng tôi không thể bay” – ông nói và giải thích rằng chỉ có hai phần ba máy bay vận chuyển C-130 đang hoạt động và sân bay Tacloban cũng không trang bị chức năng bay và đáp vào ban đêm.
“Tôi không nghĩ đây là bài kiểm tra dành cho chính quyền này. Đây làm một bài kiểm tra dành cho người Philippines. Vấn đề quan trọng là cách chúng tôi giải quyết khủng hoảng lần này. Dĩ nhiên có nhiều thách thức nhưng chúng tôi sẽ tiến về phía trước” – ông Almendras quả quyết.
"Nên noi gương tinh thần Nhật Bản"
Đó là suy nghĩ của anh Addie Pamplona, cựu sinh viên trường RMIT (TPHCM). Addie cho rằng dù gì cơn bão cũng đã xảy ra và điều cần nhất là mọi người dân phải đoàn kết lại với nhau vì người dân Philippines đã trải qua quá nhiều thảm họa thiên nhiên như thế rồi.
“Lúc này, người dân Philipines nên noi gương tinh thần của người dân Nhật Bản trong thảm họa Fukushima cách đây hơn hai năm. Khi thảm họa sóng thần xảy ra, hoàn toàn có nạn hôi của hay trộm cắp. Người dân Nhật xích lại gần nhau với hơn giúp công cuộc khôi phục sau thảm họa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều” - anh Addie trả lời.
Theo Tuổi Trẻ