Trong bài phát biểu chính sách quan trọng, Tổng thống Obama kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới bảo vệ trật tự thế giới đang bị thách thức mạnh mẽ bởi động thái sáp nhập Crimea của Nga cũng như các mối đe dọa mà Moscow đang chỉ ra đối với phần còn lại của
Ukraine.
“Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế. Cuộc xâm lược (bán đảo Crimea) của Nga vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine và phải bị lên án. Không phải chúng tôi đang cố gắng hạ bệ Nga mà là các nguyên tắc quan trọng đối với châu Âu cũng như toàn thế giới phải được khôi phục và bảo vệ”, Tổng thống Obama tuyên bố trong một bài phát biểu trọng tâm trong chuyến thăm của ông tới châu Âu tuần này.
|
Tổng thống Obama phát biểu trước giới lãnh đạo EU trong chuyến công du châu Âu tuần này.
|
Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh: “Miễn là chúng ta đoàn kết, người Nga sẽ phải nhận ra rằng, họ không thể có được sự thịnh vượng, an ninh và vị thế mà họ mong muốn bằng sức mạnh vũ lực”.
Đồng thời, trích dẫn Điều 5 của Hiệp ước thành lập của NATO trong đó quy ước toàn bộ 28 thành viên của liên minh sẽ đồng tâm hiệp lực trợ giúp bất cứ thành viên nào trong trường hợp nước này bị tấn công, ông Obama tuyên bố, Mỹ và Liên minh Đại Tây Dương sẽ bảo vệ Ba Lan và các nước Baltic dọc biên giới phía đông của NATO khỏi mọi mối đe dọa bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố, NATO đang lên kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở
biên giới phía đông bằng việc triển khai thêm quân và máy bay chiến đấu tại Ba Lan và các nước Baltic. Tuy nhiên, động thái này có thể càng làm căng thẳng tình hình sau những gì đã xảy ra ở Ukraine và Crimea.
|
Lực lượng NATO tại biên giới Afghanistan-Pakistan.
|
Về vấn đề này, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen và Tổng thống Obama đã đạt được đồng thuận rằng, NATO cần tăng cường sự hiện diện tại khu vực Đông Âu sau khi Nga sáp nhập Crimea đồng thời tái khẳng định sự gắn kết chặt chẽ giữa NATO và Mỹ trong hoạt động phòng thủ chung.
Tổng Thư ký NATO Rasmussen nhấn mạnh hoạt động phòng thủ chung của các nước trong liên minh là một sứ mệnh cơ bản của NATO và liên minh sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung để thúc đẩy hoạt động này. Những biện pháp này bao gồm cập nhật và tiếp tục phát triển các kế hoạch phòng thủ hiện có, tăng cường các cuộc diễn tập và triển khai lực lượng.
Theo ông Ramussen, bản thân nhiều quốc gia thành viên NATO gần gũi về địa lý với Nga như Ba Lan và các quốc gia Baltic đã kêu gọi đồng minh tăng cường sự hiện diện trong khu vực và "phản ứng mạnh mẽ" với những động thái của Moscow trong khu vực. Để trấn an các quốc gia thành viên, NATO đã triển khai các máy bay chở radar Awacs tại Đông Âu.
Tuy nhiên, hiện có sự phân chia giữa các đồng minh NATO về mức độ của các biện pháp trừng phạt Nga. Một số quốc gia bao gồm Hà Lan, Bulgaria và Italy đang kêu gọi liên minh cẩn trọng vì sợ khiêu khích Nga và quan ngại việc xử phạt Moscow có thể phản tác dụng, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của bản thân các nước này.
Thậm chí các các “đại gia” của EU bao gồm - Đức, Pháp và Anh – cũng đang quan ngại về các tác động đối với nền kinh tế từ các biện pháp trừng phạt Nga sau khi lãnh đạo các nước này đang tỏ ra cứng rắn hơn với Moscow.
Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo EU cho biết, các bộ trưởng năng lượng nước họ sẽ họp vào tuần tới để thảo luận về việc làm suy yếu ảnh hưởng về kinh tế của Moscow đối với châu toàn Âu.
Bạch Dương (theo Global Post)