Phát biểu trên kênh truyền hình “1 + 1”, thư ký báo chí của Tổng thống Ukraine, Yulia Mendel cho biết, Tổng thống Zelensky sẽ thảo luận về chiến lược lấy lại Bán đảo Crimea, vốn được sáp nhập vào Nga năm 2014, với các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) và NATO trong chuyến thăm Brussels.
Bà Yulia Mendel nói: "Đừng nghĩ rằng chính quyền Ukraine đã quên Bán đảo Crimea. Các cuộc tham vấn đang được tiến hành thường xuyên. Khi xác định được một quyết định nào đó, nó sẽ được đưa ra. Chính quyền Ukraine muốn minh bạch. Ngày 4/6 chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Ukraine tới châu Âu sẽ được thực hiện, và vấn đề bán đảo Crimea cũng sẽ được nêu ra với các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu và NATO”.
|
Tổng thống Ukraine Zelensky. |
Thư ký báo chí của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh quan điểm của phía Ukraine liên quan đến Bán đảo Crimea sẽ không thay đổi. Tổng thống Zelensky sẽ đến Brussels vào ngày 4/6. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã nhiều lần bày tỏ sự tin tưởng rằng Ukraine sẽ lấy lại Bán đảo Crimea từ tay Nga. Thông điệp này được Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra nhân Ngày tưởng niệm các nạn nhân vụ đàn áp người Tatar ở Bán đảo Crimea.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Zelensky viết: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ giải phóng quê hương của người Tatar ở Bán đảo Crimea khỏi sự chiếm đóng. Chặng đường đưa Bán đảo Crimea trở về Ukraine có thể kéo dài bao lâu chăng nữa, chúng ta sẽ vượt qua cùng với người Tatar ở Bán đảo Crimea. Đừng quên rằng ngay cả đêm tối dài nhất cũng sẽ kết thúc bằng bình minh”.
|
Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. |
Bán đảo Crimea trở thành một phần của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 3/2014, trong đó 96,77% cử tri của nước cộng hòa và 95,6% cư dân của Sevastopol đã bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vào Nga. Ngày 21/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật phê chuẩn về việc Crimea và Sevastopol gia nhập thành phần nước Nga, cũng như việc lập khu vực liên bang Crimea.
Việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea tuy nhận được sự ủng hộ và tán thành của người dân Nga cũng như người dân tại bán đảo, song lại bị Mỹ và EU ra sức phản đối, họ liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến việc sáp nhập nói trên.
Kiev và một số nước phương Tây cho rằng đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời tuyên bố khu vực này vẫn thuộc về Ukraine, nhưng chỉ là phần lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng. Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng sự sáp nhập của bán đảo Crimea vào Liên bang Nga không hề trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Các nhà chức trách Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin, đã nhiều lần tuyên bố dứt khoát khép lại các vấn đề về việc sáp nhập Bán đảo Crimea.
Theo Trí Đức/Infonet.vn