Động thái này đã được Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine (NSDC) rục rịch chuẩn bị từ hồi tuần trước.
Sau đó, vào ngày 14/11, Tổng thống Poroshenko đã ban hành sắc lệnh về vấn đề này mặc dù lệnh trên vẫn chưa được Quốc hội mới thông qua. Cho tới thời điểm này, có rất ít nghi ngờ rằng, liên minh cầm quyền mới sẽ thông qua sắc lệnh trên vào tuần tới.
|
Một dân quân ly khai đứng trước một tòa nhà bị phá hủy trong một cuộc pháo kích.
|
Phần gây tranh cãi nhất trong sắc lệnh này đó chính là hoãn thi hành Công ước châu Âu về Nhân quyền ở các vùng do ly khai kiểm soát. Công ước, vốn đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của con người ở châu Âu, có điều khoản cho phép bên tham gia ký văn kiện pháp lý này miễn thực thi một số điều khoản “trong thời gian chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp đe dọa tới sự an nguy của đất nước”.
Kiev vẫn khăng khăng khẳng định rằng, chiến dịch quân sự của họ ở các tỉnh nổi dậy không phải là một cuộc chiến, đó đơn thuần là “hoạt động chống khủng bố”.
Ở một số khía cạnh cụ thể, sắc lệnh đó còn là văn kiện “cắt đứt” mọi mối liên hệ giữa Kiev và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) về mặt kinh tế và chính trị. Theo đó, Kiev sẽ rút toàn bộ các cơ quan hành chính và sơ tán các văn phòng của họ ở các khu vực nắm dưới sự kiểm soát của ly khai. Trên tinh thần đó, Kiev sẽ đóng của các trường học, bệnh viện và các dịch vụ công ở Donbass.
Biện pháp tương tự cũng được áp dụng với tất cả các doanh nghiệp nhà nước, các nhân viên công ty này và cả các đối tượng tù nhân đang thụ án ở các khu vực bị ảnh hưởng của Ukraine.
Ngân hàng trung ương Ukraine cũng nhận chỉ thị ngừng cung cấp các dịch vụ của họ ở các chi nhánh đặt trong khu vực ly khai kiểm soát. Tài khoản của các cá nhân và công ty đóng ở những vùng này cũng bị đóng băng. Việc chuyển giao thuế và ngân sách giữa Kiev và hai nước cộng hòa tự xưng trên cũng bị thay đổi dựa trên sắc lệnh này. Đây được coi là một động thái dứt khoát nhằm cắt đứt mọi mối liên quan giữa Kiev và vùng miền đông.
Thanh Nga (theo RT)