Theo lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tàu chở dầu nước ngoài cùng 12 thành viên thủy thủ đoàn bị bắt do "buôn lậu 1 triệu lít nhiên liệu" vào cuối tuần trước.
Không rõ đây có phải con tàu mang tên Riah (trụ sở ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) bị mất tích khi đi qua Eo biển Hormuz hôm 14/7 hay không. Một quan chức quốc phòng Mỹ nghi ngờ Iran bắt tàu chở dầu này vì nó mất tích trong lãnh hải Iran, gần đảo Qeshm – nơi IRGC đóng quân.
Trước đó, Tehran nói rằng lực lượng của họ đã hỗ trợ một tàu chở dầu nước ngoài bị hỏng. Con tàu được kéo vào lãnh hải Iran để sửa chữa.
|
Tàu của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ảnh: Press TV. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Abbas Mousavi, thông báo tàu chở dầu nước ngoài đã phát tín hiệu cầu cứu, sau đó được lực lượng Iran kéo vào vùng biển của họ để sửa chữa.
"Một tàu chở dầu nước ngoài gặp sự cố ở Vịnh Ba Tư do vấn đề kỹ thuật. Lực lượng Iran, theo quy định quốc tế, đã nhanh chóng giúp đỡ sau khi nhận được yêu cầu. Nó được tàu kéo đưa về vùng biển Iran để thực hiện các sửa chữa cần thiết"- ông Mousavi cho biết.
Tehran từng đe dọa sẽ chặn các tàu chở đầu đi qua Eo biển Hormuz nếu họ không thể bán dầu thô ra nước ngoài. Iran cũng cảnh báo trả đũa vụ lực lượng Anh bắt giữ tàu Grace 1 của mình với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria. Con tàu bị cho là chở 2,1 triệu thùng dầu hướng tới Syria.
Hiện Anh vẫn chưa thả tàu Grace 1 nhưng cam kết tạo điều kiện để tàu này trở về với điều kiện Iran đảm bảo nó không vi phạm lệnh trừng phạt của EU.
Trong một diễn biến có thể khiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, Washington hôm 17/7 xác nhận sẽ gửi thêm 500 binh sĩ tới Ả Rập Saudi. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gửi ít nhất 2.000 quân tới khu vực để "chống lại mối đe dọa từ Iran", bên cạnh chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa đất đối không.
Hồi tháng 5, ông Trump bỏ qua sự phê chuẩn của Quốc hội trong thương vụ vũ khí trị giá 8 tỉ USD với Ả Rập Saudi và UAE. Tuy nhiên, hôm 17-7, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu chặn thương vụ này và bị ông Trump đe dọa dùng quyền phủ quyết.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Mời độc giả xem thêm video: Tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman (Nguồn: RT)
Theo Phạm Nghĩa/Người Lao Động