|
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23 tại Brunei. |
Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình vừa được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ký tắt sáng Thứ Năm (10/10) bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23 tại Brunei.
Cũng trong sáng 10/10, Ngoại trưởng Kerry đã hội kiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễ́n Tấn Dũng bên lề sự kiện này.
Theo VOA, Hiệp định hợp tác về hạt nhân dân sự, gọi tắt là Hiệp định 123, cho phép các công ty Mỹ vào thị trường Việt Nam thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ và nhiên liệu hạt nhân.
Quan chức hai bên ca ngợi đây "là một tiến triển tích cực, là bước đi quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho việc Việt Nam tiếp cận công nghệ cao của Mỹ ỳ về năng lượng hạt nhân và thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự trong tương lai".
Tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ cao cấp nói Việt Nam đã đồng ý tuân thủ các tiêu chuẩn cao trong kiểm soát hạt nhân và đưa ra cam kết chính trị không làm giàu uranium.
Quan chức này cũng nói thỏa thuận mới dành cho Mỹ quyền kiểm soát hoàn toàn các nhiên liệu và công nghệ bán cho Hà Nội.
Hiệp định 123 qui định:
• Mỹ bán nhiên liệu và công nghệ hạt nhân cho Việt Nam
• Việt Nam cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân
• Mỹ hoàn toàn kiểm soát công nghệ và nhiên liệu bán ra
• Trong tương lai lâu dài Việt Nam có thể tự sản xuất nhiên liệu
Thỏa thuận này được đánh giá là sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam nói riêng, cũng như các nước châu Á nói chung, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Nhiều nước khác - trong đó có Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc - đã tham gia vào lĩnh vực hạt nhân ở Việt Nam.
Hiệp định hạt nhân mới được giới chức ngoại giao ký tắt sẽ phải qua Bộ trưởng Năng lượng và Ủy ban Điều hành Hạt nhân của Mỹ trước khi được đệ trình lên Tổng thống Barack Obama.
Trong trường hợp ông Obama chấp thuận thông qua, văn bản này sẽ được chuyển cho Hạ viện xem xét trong thời hạn 90 ngày. Nếu không có ý kiến phản đối, hiệp định sẽ có hiệu lực.
Văn Bình