Trung Quốc đang tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình như một cường quốc có trách nhiệm bằng cách cử chuyên gia và tặng nhiều khẩu trang cùng các thiết bị bảo hộ khác cho các quốc gia đang bùng phát dịch COVID-19 cũng như lấy lại hình ảnh nước này là nơi khởi phát đại dịch toàn cầu.
Trong khi đó, Việt Nam, mặc dù thiếu nguồn lực so với “người hàng xóm” Trung Quốc, đã tặng 550.000 khẩu trang tới Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh cùng với 390.000 khẩu trang tới Campuchia và 340.000 khẩu trang tới Lào, đều là các nước láng giềng ở Đông Dương.
Việt Nam cũng hỗ trợ đẩy nhanh việc giao nhận 450.000 bộ quần áo bảo hộ toàn thân của hãng DuPont sản xuất tại Việt Nam tới Mỹ. Tổng thống Donald Trump hôm 9/4 đã ngỏ lời cảm ơn “những người bạn Việt Nam của chúng ta” về tinh thần hỗ trợ đó.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm ơn Việt Nam hợp tác y tế phòng chống Covid-19. |
Với chiến dịch kiểm dịch hàng loạt và tích cực truy tìm các mối tiếp xúc, hiện Việt Nam mới ghi nhận 257 ca nhiễm virus corona mới và không có trường hợp tử vong. Đầu tuần này, chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố “đã kiểm soát được dịch bệnh”, các Đại sứ châu Âu tại Hà Nội đã được đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng quà là mặt hàng khẩu trang.
“Việt Nam có được sự tự tin bằng cách ứng phó thành công với dịch COVID-19”, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về ngoại giao Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra, nhận xét. “Trong khi Việt Nam đang chuẩn bị chống lại một làn sóng virus thứ hai, thì họ cũng đang bắt đầu hướng tới sự hồi sinh của hoạt động kinh tế”, ông Thay Thayer nói. Theo ông Carl Thayer, chìa khóa thúc đẩy hoạt động đó sẽ là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam (EVFTA) vốn rất được mong đợi dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn vào cuối tháng này.
Bài viết của Reuters nhận định: “Mặc dù không có sự so sánh rõ ràng với Trung Quốc trong chính sách “ngoại giao virus”, nhưng họ đã nhanh chóng quyên tặng thiết bị cho các nước láng giềng Lào và Campuchia”. Việc quyên góp cho các nước láng giềng có khá đông cộng đồng người Việt là trên cơ sở tình hữu nghị và quan hệ truyền thống, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói với Reuters.
Chuyên gia Carl Thayer còn cho biết, Việt Nam cũng có thể nâng chất lượng vật tư y tế của mình trong bối cảnh Trung Quốc đang bị trả lại các thiết bị bị lỗi. Tập đoàn Vingroup của Việt Nam tuần trước cho biết họ sẽ bắt đầu sản xuất tới 55.000 máy thở mỗi tháng, bao gồm cả thị trường nước ngoài. “Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc về khối lượng hay giá trị của hàng viện trợ, nhưng Việt Nam có thể hỗ trợ đúng nơi cần đến”, ông Carl Thayer nói.
Theo Hải Yến/Báo An ninh Thủ đô