Xúc động quốc tang cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac

Google News

Thi hài của cố Tổng thống Chirac được an táng tại nghĩa trang Montparnasse, bên cạnh ngôi mộ của con gái Laurence qua đời năm 2016 theo ý nguyện của gia đình.

Ngày 30/9, nước Pháp đã tổ chức quốc tang cựu Tổng thống nước này Jacques Chirac tại nhà thờ Saint-Sulpice ở thủ đô Paris, với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia và quan chức cấp cao các nước.
Tang lễ chính thức bắt đầu lúc 12 giờ (giờ địa phương) trong không khí trang nghiêm.
Xuc dong quoc tang cuu Tong thong Phap Jacques Chirac
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ tang cố Tổng thống Jacques Chirac ở thủ đô Paris ngày 30/9. 
Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron chủ trì tang lễ.
Hơn 80 lãnh đạo và cựu lãnh đạo các nước tham dự tang lễ, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Italy Sergio Mattarella, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
Các cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Francois Hollande cũng dự tang lễ.
Đúng 15 giờ, các công sở và trường học trên cả nước Pháp dừng hoạt động để dành một phút mặc niệm cố Tổng thống.
Thi hài của cố Tổng thống Chirac được an táng tại nghĩa trang Montparnasse. Theo ý nguyện của gia đình, ông Chirac yên nghỉ bên cạnh ngôi mộ của con gái Laurence qua đời năm 2016.
Cuối tuần qua, hàng nghìn người dân Pháp đã đến viếng cố Tổng thống tại Điện Invalides, nơi đặt quan tài của ông. Người dân cũng xếp hàng vào ký sổ tang tại Điện Elysee và Tòa thị chính Paris.
Xuc dong quoc tang cuu Tong thong Phap Jacques Chirac-Hinh-2
 Người dân Pháp tập trung bên ngoài nhà thờ Saint-Sulpice ở thủ đô Paris nơi tổ chức tang lễ cố Tổng thống Jacques Chirac ngày 30/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cựu Tổng thống Jacques Chirac qua đời ở tuổi 86 ngày 26/9 vừa qua. Ông là người có nhiều ảnh hưởng đối với nền chính trị nước Pháp trong suốt bốn thập kỷ.
Trên cương vị Thủ tướng rồi sau đó là Tổng thống Cộng hòa Pháp trong giai đoạn 1995-2007, ông Chirac đã cùng với các đối tác châu Âu tạo dựng một Liên minh châu Âu (EU) liên kết như ngày nay. Báo chí và cả giới chức chính trị châu Âu đã bày tỏ sự kính trọng đối với cựu Tổng thống cũng như cam kết của ông.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các báo Marianne và Le Parisien của Pháp tường thuật cựu Tổng thống Chirac là người được dân chúng yêu quý và thương tiếc trước sự ra đi của ông.
Báo Le Monde đánh giá cao tư tưởng đối ngoại mà ông Chirac thể hiện trong suốt gần 40 năm hoạt động chính trị, đó là “một nước Pháp trung thành với các đồng minh nhưng không phải là chư hầu.”
Từ Anh, Thủ tướng Boris Johnson và cựu Thủ tướng John Major đánh giá cao những thành tựu chính trị của cựu Tổng thống Pháp Jacque Chirac. Cựu Thủ tướng Tony Blair đánh giá ông Chirac là “gương mặt đại diện cho nền chính trị Pháp và châu Âu trong nhiều thập kỷ."
Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, luôn bảo vệ lợi ích của nước Pháp.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, người từng là Thủ tướng Luxembourg cùng thời gian hai nhiệm kỳ Tổng thống Pháp của ông Jacques Chirac, đã bày tỏ tình cảm tiếc thương trước mất mát lớn của nước Pháp.
Thủ tướng Đức Angla Merkel ca ngợi cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac "là một đối tác và người bạn tuyệt vời của nước Đức." Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của “một công dân châu Âu có ảnh hưởng lịch sử, một chính trị gia có sức hút rất lớn.”
Ông Chirac sinh ngày 29/11/1932 tại Paris, giữ cương vị Tổng thống Pháp hai nhiệm kỳ từ năm 1995-2007, và là vị tổng thống tại vị lâu nhất sau chiến tranh.
Ông đã nỗ lực nâng vị thế quan trọng của nước Pháp trên trường quốc tế. Ông cũng được nhớ đến nhiều nhất vì đã khiến Mỹ tức giận khi bày tỏ sự phản đối công khai của ông đối với cuộc chiến tại Iraq năm 2003.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Đức Hùng-Nguyễn Hằng/TTXVN-Vietnam+