18 năm lãnh đạo nước Nga và làm thay đổi thế giới của ông Putin

Google News

Trên bình diện quốc tế, Nga âm thầm trỗi dậy nhằm khôi phục địa vị siêu cường. Trong nước, tỷ lệ ủng hộ của người dân với Tổng thống Putin luôn ở mức cao.

Vài ngày trước khi được bầu làm tổng thống Nga vào năm 2000, ông Vladimir Putin đã khẳng định với tờ BBC rằng nước Nga là "một phần của nền văn hóa châu Âu" và ông "sẽ không từ bỏ" khả năng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Tôi không thể tưởng tượng được viễn cảnh nước Nga cô lập khỏi châu Âu và thế giới", ông Putin nói, thời điểm này ông còn giữ chức tổng thống tạm quyền sau khi ông Boris Yeltsin từ chức vào đêm giao thừa năm 2000.
Hơn một thập kỷ sau, khi Tổng thống Putin đang chuẩn bị đánh dấu 18 năm cầm quyền vào tháng 5 tới, nước Nga đã hoàn toàn lột xác so với thời kỳ hỗn loạn dưới thời ông Yeltsin.
 Ông Putin đọc lời tuyên thệ trong lễ nhậm chức tổng thống vào ngày 7/5/2000. Phía sau ông là cựu Tổng thống Boris Yeltsin. Ảnh: Getty.
Trên bình diện quốc tế, Nga âm thầm trỗi dậy nhằm khôi phục địa vị siêu cường, đối trọng với nước Mỹ muốn xác lập trật tự thế giới một cực do Mỹ lãnh đạo.
Trong nước, dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn vì phải đối mặt với lệnh cấm vận từ phương Tây, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin vẫn ở mức cao kỷ lục: 81% vào cuối năm 2017 theo đánh giá của Quỹ Dư luận xã hội (FOM).
Trong 18 năm chèo lái đất nước, ông Putin đã có vô số thay đổi khiến nước Nga và thế giới phải chuyển mình.
Góp phần xây dựng trật tự thế giới đa cực
Trong giai đoạn 2001 - 2009, thế giới xuất hiện trật tự mới: Nhất siêu (Mỹ), đa cường, đa trung tâm. Giai đoạn này, Nga đang từng bước phục hồi, lấy lại vị thế kinh tế và chính trị sau thời kỳ chiến tranh lạnh với Mỹ.
Vào những năm đầu thế kỷ XXI, Mỹ và Nga đã thiết lập một mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa kiềm chế, vừa chống nhau quyết liệt, kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tầm nhìn trong các chính sách ngoại giao của ông Putin là cùng với Trung Quốc trở thành các cực đối lập với phương Tây, cân bằng về mặt quân sự và chính trị với Mỹ.
Xoay trục sang châu Á
Trong những năm gần đây, nhà lãnh đạo nước Nga đã chuyển hướng hợp tác về kinh tế và quân sự với các nước châu Á, nơi những nền kinh tế đang tăng trưởng khao khát nguồn năng lượng từ Nga.
Từ khi đắc cử tổng thống vào năm 2000, ông Putin đã từ bỏ chính sách đối ngoại phiến diện nghiêng hẳn về phương Tây. Các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã nằm trong danh sách ưu tiên về chiến lược đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ đầu của ông Putin.
 Tổng thống Putin bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN được tổ chức tại thành phố Sochi năm 2016. Ảnh: Getty.
Năm 2014, Nga và Trung Quốc đạt thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên trong vòng 30 năm trị giá hơn 400 tỷ USD. Sau khi mối quan hệ với phương Tây căng thẳng vì khủng hoảng Ukraine, Nga tập trung vào việc khai thác thị trường Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế. Dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ tiêu thụ của Nga khoảng 420 tỷ m3 khí đốt một năm.
Tạo thế đối lập với NATO
Dưới thời cựu Tổng thống Yeltsin, Nga theo đuổi chính sách miễn cưỡng hợp tác với NATO. Tuy nhiên điều này đã thay đổi khi Tổng thống Putin lên nắm quyền.
Trong bài phỏng vấn đầu tiên với tờ BBC, ông Putin đã nhấn mạnh rằng sự bành trướng về phía đông của NATO là một mối đe dọa đối với nước Nga. Thời điểm hiện tại, Nga đã có đủ năng lực quân sự để đối đầu với thế lực này.
Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của mình, ông Putin đã cải cách mạnh mẽ bộ máy quân sự. Năm 2015, nước Nga chi 81 tỷ USD cho hệ thống phòng ngự quân đội, chiếm nhiều phần trăm tỷ trọng GDP của quốc gia hơn cả Mỹ.
Theo bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2017 của trang Hỏa lực Toàn cầu (Global Fire Power), Nga đứng vị trí thứ 2 sau Mỹ.
Nâng vị thế qua Thế vận hội
Theo Guardian, Thế vận hội Mùa đông 2014 được tổ chức tại thành phố Sochi là một thắng lợi của cá nhân Tổng thống Putin, người đã quyết liệt vận động để giành được quyền đăng cai tổ chức sự kiện này.
Đây cũng đồng thời là thắng lợi của nước Nga khi đội tuyển quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng huy chương với tổng cộng 33 chiếc, trong đó có 13 HCV. Ngoài ra, cũng không xảy ra bất kỳ lỗ hổng an ninh hay tình trạng tổ chức yếu kém nào.
Mùa hè năm 2018, đất nước này cũng sẽ đăng cai tổ chức cúp bóng đá thế giới World Cup.
Chất lượng cuộc sống tăng
Trước khi ông Putin nắm quyền, GDP quy đổi theo sức mua tương đương bình quân đầu người của Nga là 9.889 USD. Đến năm 2017, chỉ số này đã tăng gần gấp ba, lên đến 28.000 USD, cao nhất trong số Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Đất nước xếp thứ hai là Trung Quốc chỉ đạt 16.624 USD.
 Những người ủng hộ Tổng thống Putin giơ cao hình ảnh của ông trong sự kiện kỷ niệm 1 năm Crimea sáp nhập vào Nga. Ảnh: Getty.
Chỉ số sức mua tương đương phản ánh mức sinh sống và tỷ lệ lạm phát của một quốc gia so sánh với các quốc gia khác. Vào năm 1999, nền kinh tế Nga quy đổi theo sức mua tương đương chỉ đáng giá 620 tỷ USD. Đến nay, con số này đã là 4.000 tỷ USD, biến nước Nga trở thành quốc gia có nền kinh tế theo sức mua tương đương lớn thứ 6 trên thế giới, theo Russia Today.
Năm 2015, chỉ số phát triển con người (HDI) của Nga đạt mức 0,804. Con số này thuộc nhóm rất cao, đứng thứ 49 trên thế giới theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). HDI là thước đo tổng quát về phát triển con người của một quốc gia theo ba tiêu chí: sức khỏe, tri thức và thu nhập.
Nợ nước ngoài giảm mạnh
Trong suốt 18 năm cầm quyền của ông Putin, tỷ lệ lạm phát đã giảm từ 36,5% còn 2,5% vào cuối năm 2017. Tài sản quốc dân tăng gấp 24 lần, đến 1.430 tỷ USD. Thị trường cổ phiếu tăng 15 lần, đến 621 tỷ USD.
Khi ông Putin được bầu làm tổng thống vào năm 2000, nợ công của nước Nga bằng 92,1% sản lượng đầu ra của nền kinh tế. 18 năm sau, con số này giảm xuống chỉ còn 17,4%.
Nợ giảm và tài sản quốc dân tăng đã giúp nền kinh tế Nga vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 và sự thụt giảm tăng trưởng trong giai đoạn 2014 - 2016 do giá dầu giảm và chịu tác động của lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Cải thiện dân số
Nga là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa dân số đáng quan ngại. Theo tờ Guardian, dân số Nga giảm trung bình gần 1 triệu người/năm, hậu quả của việc lười sinh đẻ và xu hướng chết trẻ.
Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm dân số đang dần được cải thiện. Từ năm 2010, dân số nước Nga đã bắt đầu tăng trưởng, phần lớn là nhờ nền kinh tế được phục hồi. Dưới thời của ông Putin, tình hình tài chính của người dân được cải thiện, họ có xu hướng sinh đẻ nhiều hơn.
Theo Cục Thống kê Liên bang Nga, dân số của Nga năm 2015 là 146 triệu người, tăng 4 triệu người so với năm 2008.
Một nhân cách truyền cảm hứng
Khó có thể phủ nhận, ông Putin là một nhân cách thú vị trong chính trường thế giới. Sự nam tính của ông được khắc họa bởi hình ảnh một vị tổng thống ngực trần, cưỡi ngựa, đấu vật với hổ. Ông là người có cuộc sống ngăn nắp, gọn gàng và kỷ luật, thường được miêu tả là một người đàn ông hành động nhiều hơn lời nói.
Ông đồng thời sở hữu một đai đen bát đẳng bộ môn võ thuật Karate và thường xuyên tập luyện bộ môn Judo.
Trong suốt 18 năm lãnh đạo, những điều mà ông Putin đã làm được cho nước Nga là không thể chối cãi. Tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục của người dân là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Trong nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo, nước Nga mong chờ ông có những chính sách cải cách kinh tế để nâng cao hơn nữa đời sống của người dân, cùng với đó là việc đưa vị thế đất nước lên một tầm cao mới.
18 năm lãnh đạo nước Nga và làm thay đổi thế giới của ông Putin 08:30 19/03/2018 4
Trên bình diện quốc tế, Nga âm thầm trỗi dậy nhằm khôi phục địa vị siêu cường. Trong nước, tỷ lệ ủng hộ của người dân với Tổng thống Putin luôn ở mức cao.
Mời độc giả xem video: Ông Putin ăn mừng chiến thắng cùng người ủng hộ (Nguồn: Reuters)
Theo Chi Mai/Zing.vn