Mỗi buổi sáng tại đất nước của xứ sở chùa Vàng, các nhà sư Thái Lan lại nhận được lượng thức ăn nhiều đến khó tin: các loại xôi, bánh ngọt, mì, bánh pudding, bánh bao, các loại đồ ăn mua trong cửa hàng tiện lợi và những món ăn vặt của Thái phủ đầy sữa đặc và kem.
Khất thực – hay còn được gọi là đi xin thức ăn do người dân bố thí là hoạt động hàng ngày của các nhà sư Thái Lan. Truyền thống vào mỗi buổi sáng này cũng là cách người dân Thái Lan thể hiện lòng sùng đạo và cố gắng tích đức. Chính điều này đã gây ra cuộc khủng khoảng béo phì của các nhà sư nước này.
|
Đồ ăn các nhà sư Thái Lan khất thực mỗi ngày được coi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng béo phì đáng bạo động ở giới sư sãi nước này. |
Trái ngược với hình ảnh nhà sư có chiếc bụng tròn và có đến “vài chiếc cằm” thường thấy trong các miêu tả của Đạo Phật, giờ đây, 300.000 nhà sư Thái Lan phải nỗ lực giữ dáng và bảo vệ sức khỏe bằng cách nhịn ăn sau bữa trưa.
Tuy nhiên, lượng đồ ăn và thức uống các nhà sư tiêu thụ hàng ngày đều là loại thức phẩm không lành mạnh, chứa nhiều chất béo. Hiện tại, số lượng sư thầy Thái Lan thừa cân và gặp các vấn đề về sức khỏe đã vượt quá mức trung bình quốc gia, với 45% mắc bệnh béo phì, 6.5% bị tiểu đường. Trong đó, tỷ lệ mắc các bệnh về tim mạch và lượng cholesterol trong máu cao ở mức báo động.
Lối sống hiện đại và việc tiêu thụ các loaị thực phẩm chứa nhiều đường được coi là nguyên nhân gây ra tình trạng nghiêm trọng này.Trong các nước khu vực Đông Nam Á, Thái Lan chỉ đứng sau Malaysia về tỷ lệ béo phì.
Dù ý thức được thực tế này, các nhà sư Thái Lan cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc ăn đồ được người dân bố thí. Truyền thống của người Thái Lan là họ thường chọn bố thí các loại thức ăn theo sở thích bản thân hoặc đồ ăn ưa thích của những người thân đã mất. Điều đó đồng nghĩa với việc các món ngọt thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của các sư thầy.
Các thành viên cấp cao của hội đồng Phật Giáo, cùng với các học giả và thành viên chính phủ Thái Lan đang chung tay nỗ lực đẩy lùi cuộc khủng khoảng béo phì. Tình trạng đang cần giải quyết cấp bách sau khi vấn đề này được miêu tả như “một quả bom hẹn giờ”. Theo đó, các quy định về sức khỏe đã được soạn thảo và dần triển khai trên khắp các chùa chiền dọc đất nước.
Bác sĩ Supreda Adulyanon – người đứng đầu cơ quan y tế của chính phủ Thái Lan cho hay các loại đồ uống có đường – một trong các loại thực phẩm duy nhất các nhà sư được phép ăn sau bữa trưa, chính là thủ phạm gây ra vấn đề thừa cân quá mức.
Vị bác sĩ nhấn mạnh “Điều cốt yếu vẫn là thói quen sống không lành mạnh của giới nhà sư. Có đến 43 % nhà sư hút thuốc và chỉ 44% thực hiện các bài tập luyện thể dục 3 lần 1 tuần, điều đó có nghĩa là phần đông đã không tập luyện đầy đủ. Nhưng chúng ta cũng phải thông cảm cho hoàn cảnh của họ, họ phải tiêu thụ những thực phẩm được bố thí và không có quyền lựa chọn, đòi hỏi”.
Giới sư sãi Thái Lan thường có lối sống lười vận động, ngược lại, việc tập thể dục lại được coi là một hành động “nhạy cảm”. Họ không được tỏ ra quan tâm tới các vấn đề về ngoại hình và không được mang giày – hai việc khiến việc tập luyện càng trở nên khó khăn. Trước đó, một vị sư đăng tải hình ảnh khoe cơ bụng 6 múi trên mạng xã hội đã khiến anh ta bị chính quyền Phật giáo ở nước này truy lùng.
Phra Promwachirayan – trụ trì một ngôi chùa ở Thái Lan, người đi đầu trong phong trào nhà sư nước này thay đổi lối sống, thừa nhận việc tập thể dục với các nhà sư có tính “phức tạp” nhưng không phải là không thể.
“Các nhà sư nên tập luyện để cải thiện sức khỏe chứ không phải để biến thân hình của mình lực lưỡng như một võ sĩ quyền Anh. Họ không thể tập tạ hay chạy bộ thì có thể lựa chọn đi bộ chậm hay thiền. Yoga cũng là một cách thức tốt, tuy nhiên họ không được tập ở nơi công cộng” – ông cho hay.
Theo My Lê/Dân Việt