Hội nghị Trung ương lần thứ 3, khóa 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18-12-1978 diễn ra tại Bắc Kinh với quyết định tiến hành cải cách và mở cửa đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, đưa Trung Quốc vươn lên thần kỳ từ sự sụp đổ kinh tế sau Cách mạng Văn hóa (1966-1976).
Đặng Tiểu Bình - Kiến trúc sư "Cải cách và mở cửa"
Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là người khởi xướng công cuộc "Cải cách và Mở cửa", được chính thức phát động với tên gọi ban đầu "4 hiện đại" trong bối cảnh Trung Quốc rơi vào tình trạng nghèo đói, nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ do nhiều thập niên sai lầm trong quản lý kinh tế và chính trị.
|
Trong ảnh trên, ông Đặng Tiểu Bình (ngồi thứ hai từ trái sang) tại Hội nghị TW 3 Kỳ họp thứ 11 của Ủy ban Trung ương đảng vào tháng 12/1978. Ảnh dưới, khiêu vũ tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 1978. Ảnh: VCG/Getty Images |
GDP của Trung Quốc trước cải cách chỉ dưới 150 tỷ USD. 40 năm sau, con số này đã tăng lên 12 nghìn tỷ USD (theo thống kê năm 2017), đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành nước có hoạt động thương mại lớn nhất thế giới. Năm 2014, theo tính toán sức mua tương đương (PPP), quy mô kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong quá trình Cải cách, mở cửa, hơn 700 triệu người Trung Quốc cũng đã thoát nghèo theo chuẩn nghèo quốc tế, tỷ lệ đóng góp đối với sự nghiệp xóa đói giảm nghèo trên thế giới trong 40 năm qua là hơn 70%.
Chính sách một con
Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách một con vào năm 1979, giới hạn nghiêm ngặt số lượng con trong các gia đình ở thành thị. Chính sách này nhằm kiểm soát dân số phát triển quá nhanh, khi đó bị cho là một trở lực kiềm hãm phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, chính sách này ngày nay đã được nới lỏng để phù hợp với tình hình mới.
|
Một người đàn ông bế con đi qua bức tranh cổ động cho chương trình kế hoạch hóa gia đình, quy định mỗi gia đình chỉ có một con. Ảnh chụp ngày 22/2/1983, nguồn AP |
Thâm Quyến - Đặc khu kinh tế đầu tiên
Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) đầu tiên của Trung Quốc vào tháng 5/1980 trong nỗ lực thu hút đầu tư và sức mạnh công nghệ từ Hong Kong. Chỉ trong vòng 4 năm, hơn mười đặc khu kinh tế đã được thành lập dọc theo vùng duyên hải phía đông Trung Quốc, từ Bắc Hải ở phía nam cho đến Đại Liên ở vùng đông bắc.
Các đặc khu kinh tế trở thành những mũi nhọn cho sự phát triển thần kỳ của siêu cường kinh tế Trung Quốc sau này.
|
Ảnh trên chụp quang cảnh Thâm Quyến vào tháng 7/1984, chỉ 4 năm sau khi trở thành đặc khu kinh tế; ảnh dưới: đám đông công nhân nhập cư xếp hàng chờ xin vào thành phố để làm việc vào năm 1986. Ảnh: Xinhua |
Thị trường chứng khoán Thượng Hải
Trung Quốc đã mở thị trường chứng khoán đầu tiên dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa tại Thượng Hải vào tháng 11/1990, tái khởi động các hoạt động giao dịch cổ phiếu chính thức tại thành phố này sau 41 năm.
|
Các nhà môi giới chứng khoán tại Thị trường Chứng khoán thượng Hải (SSE) vào ngày 19/12/1990. Ảnh: ImagineChina |
Trao trả Hong Kong
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc đại lục vào ngày 1/7/1997, 5 tháng sau khi ông Đặng Tiểu Bình qua đời.
Năm 1984, Đặng Tiểu Bình đề xuất áp dụng các nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" cho hong Kong trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher về tương lai của Hong Kong khi việc cho Vương quốc Anh thuê các vùng lãnh thổ mới (bao gồm cả Tân Cửu Long) của Hong Kong hết hạn vào năm 1997. Một nguyên tắc tương tự cũng đã được đề xuất đàm phán với Bồ Đào Nha về Macau.
Nguyên tắc có nội dung: sau khi thống nhất đất nước, trong khi Trung Quốc đại lục xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng Hong Kong (và Macau) có thể tiếp tục duy trì hệ thống của họ với quyền tự chủ cao ít nhất trong vòng 50 năm.
|
Ảnh trái: Quốc kỳ Trung Quốc và Anh được thượng lên trong buổi lễ trao trả Hong Kong. Ảnh góc phải bên trên: Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc được tặng hoa khi tiến vào Hong Kong ngày 30/6/1997. Ảnh góc phải dưới: Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Thái tử Anh Charles và Thủ tướng Anh Tony Blair tại buổi lễ trao trả Hong Kong ngày 1/7. Ảnh: AP, Getty Image, AFP |
Gia nhập WTO
Sau nhiều năm thương lượng, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 11/2001. Sự kiện trọng đại này đã mở ra cho quốc gia đông dân nhất hành tinh những cơ hội lớn về tăng trưởng, xuất khẩu… Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, kể từ khi gia nhập WTO, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trung bình 29%/năm, chiếm 14,6% thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới.
|
Đại diện thương mại Liên minh châu Âu (EU) Pascal Lamy (trái) bắt tay Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Shi Guangsheng sau lễ ký thỏa thuận thương mại song phương tại Bắc Kinh ngày 20/5/2000, xóa bỏ rào cản cuối cùng ngăn Trung Quốc gia nhập WTO. Ảnh: AFP |
Chương trình Kích thích kinh tế
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ Trung Quốc đã công bố gói kích thích kinh tế 586 tỉ USD vào tháng 11/2008. Chỉ trong vòng vài tháng nổ ra khủng hoảng, sự sụt giảm của ngành sản xuất vốn phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu của Trung Quốc đã khiến khoảng 20 triệu công nhân mất việc.
|
Công trường xây dựng chuẩn bị cho Triển lãm Thương mại World Expo 2010 tại Thượng Hải vào ngày 18/9/2008. Ảnh: Bloomberg |
Dẫn đầu ngành sản xuất ô tô
Trung Quốc trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính về sản lượng hàng năm vào tháng 12/2009, vượt qua cả "người khổng lồ" Nhật Bản.
Hiện nay, Trung Quốc sản xuất nhiều ô tô hơn cả của Mỹ, Nhật Bản và Đức cộng lại.
|
Công nhân làm việc trên dây chuyền tại nhà máy ô tô SAIC-GM-Wuling Automobile ở Liuzhou ngày 24/8/2009. Ảnh: Bloomberg |
Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền
Ngày 15/11/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã tiến hành phiên họp đầu tiên sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 và quyết định bầu ông làm Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 14/3/2013, ông Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kết thúc quá trình chuyển giao quyền lực ở quốc gia này.
|
Trong ảnh trên, một người dân ngoái nhìn màn hình phát hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 15/11/2012; ảnh dưới: Ông Tập Cận Bình và các ủy viên Bộ chính trị dự cuộc họp báo cùng ngày. Ảnh: Bloomberg |
Con đường Tơ lụa Mới - "Sáng kiến Vành đai và Con đường"
Trong chuyến thăm Kazakhstan vào tháng 9/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo kế hoạch của Bắc Kinh thiết lập một Con đường Tơ lụa Mới, kết nối hoạt động thương mại giữa hai quốc gia dọc theo con đường cồ xưa tới châu Âu.
Trong những năm sau đó, kế hoạch này đã phát triển thành một sáng kiến trị giá hàng trăm tỉ USD và được đặt lại tên là "Sáng kiến Vành đai và Con đường", liên quan tới trên 100 quốc gia.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc
Ngày 28/3/2018 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp thuế nhập khẩu lên trên 1.300 chủng loại hàng hóa Trung Quốc, chính thức châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước, với những đòn trả đũa qua lại lên hàng hóa nhập khẩu của nhau. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và cướp việc làm của người Mỹ. Đòn trả đũa của Bắc Kinh đã khiến Mỹ mở đợt tấn công thứ hai bằng rào cản thuế quan. Tháng 8/2018, Tổng thống Trump ra lệnh áp đặt thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina đầu tháng 12/2018, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại trong vòng 90 ngày, để có thêm thời gian thương lượng một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
|
Ngày 8/3/2018, Tổng thống Donald Trump ký lệnh áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu. |
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức