Những hình ảnh đầu tiên xuất hiện hôm 21/11 về 41 người bị mắc kẹt 9 ngày trong đường hầm đường cao tốc ở dãy Himalaya thuộc Ấn Độ cho thấy họ đứng trong không gian hẹp và giao tiếp với lực lượng cứu hộ.
Các nhà chức trách cho biết những người đàn ông này đã bị mắc kẹt trong đường hầm dài 4,5km ở bang Uttarakhand kể từ khi nó sập xuống vào ngày 12/11. Họ vẫn an toàn, được tiếp cận với ánh sáng, oxy, thực phẩm, nước uống và thuốc men.
Chính quyền chưa công bố nguyên nhân hầm sập nhưng khu vực này thường xảy ra lở đất, động đất và lũ. Nỗ lực đưa 41 người ra ngoài đã bị chậm do gặp khó khăn khi khoan xuyên qua khu vực ở địa hình núi.
Trong những hình ảnh đầu tiên kể từ khi vụ việc xảy ra, các công nhân vẫn đội mũ bảo hiểm, mặc áo bảo hộ. Họ liên lạc với bên ngoài thông qua bộ đàm được chuyển vào bằng một đường ống.
|
Một công nhân bị mắc kẹt xuất hiện trong đoạn video (Ảnh: Reuters).
|
Hình ảnh của họ được ghi lại thông qua camera nội soi y tế được đẩy qua một ống có đường kính 15cm. Ống này được nhét qua một lỗ mà đội cứu hộ khoan hôm đầu tuần.
Lực lượng cứu hộ dự kiến hôm nay sẽ tiếp tục khoan theo chiều ngang qua đống mảnh vỡ cao 60m để đẩy vào một đường ống đủ lớn nhằm để những người mắc kẹt có thể bò ra ngoài.
Cuối tuần qua, Ấn Độ đã tạm dừng khoan ngang sau khi một thiết bị bị trục trặc và lo ngại một vụ sập mới có thể xảy ra. Chính quyền đã nghiên cứu thêm 5 phương án cứu hộ khác, bao gồm khoan thẳng đứng từ đỉnh núi xuống.
Abhishek Sharma, bác sĩ tâm thần được chính quyền bang cử đến hiện trường, cho biết ông đã yêu cầu 41 người đàn ông đi bộ trong khu vực nơi họ bị mắc kẹt, tập các bài tập yoga nhẹ và thường xuyên nói chuyện với nhau.
"Giấc ngủ rất quan trọng đối với họ… và đến giờ họ vẫn ngủ ngon và không gặp bất kỳ khó khăn nào khi ngủ", Sharma nói và cho biết thêm rằng những người đàn ông này đang có tinh thần tốt và muốn sớm ra ngoài.
Một bác sĩ khác tại hiện trường, Prem Pokhriyal, cho biết những người đàn ông đã được yêu cầu tránh tập luyện nặng vì có thể làm tăng sự tích tụ khí CO2 trong không gian hẹp do họ thở mạnh ra.
Những người bị mắc kẹt là các công nhân xây dựng được trả lương thấp, hầu hết từ các bang nghèo ở phía đông và bắc Ấn Độ.
Theo Đức Hoàng / Dân Trí