Hãng CNN đánh giá có rất nhiều phụ nữ đã làm thay đổi thế giới, để lại dấu ấn sâu sắc trong các lĩnh vực như văn hóa, khoa học, xã hội...
Dưới đây là danh sách bảy phụ nữ nổi bật đã làm thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.
Harriet Beecher Stowe, nhà văn chống chế độ nô lệ
|
Nhà văn Harriet Beecher Stowe, tác giả cuốn Túp lều bác Tom nổi tiếng - Ảnh: CNN. |
Nhà văn Mỹ Harriet Beecher Stowe (1811-1896), người viết cuốn sách Uncle Tom’s cabin (Túp lều bác Tom) năm 1852 đã giúp thúc đẩy phong trào chống chế độ nô lệ.
Truyền thuyết kể rằng Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã tiếp đón nhà văn Stowe trong Nhà Trắng và nói: “Vậy bà là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách mở đầu cuộc chiến tranh (nội chiến Mỹ)”.
Cuốn Túp lều bác Tom kể về cuộc đời của người nô lệ da đen Tom, đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong thế kỷ 19 chỉ sau cuốn Kinh thánh.
Emmeline Pankhurst, nhà hoạt động vì quyền bầu cử
|
Nhà hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ Emmeline Pankhurst - Ảnh: Wikipedia. |
Nhà hoạt động người Anh Emmeline Pankhurst (1858-1928) thành lập tổ chức Liên hiệp Xã hội và chính trị nữ giới (WSPU), chuyên tổ chức các cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử cho phụ nữ.
“Chúng tôi hành động không phải vì chúng tôi là những kẻ vi phạm pháp luật, mà vì chúng tôi nỗ lực trở thành những người làm luật” - bà khẳng định năm 1908.
Năm 1999, tạp chí Time bình chọn bà Pankhurst là một trong số 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20. Đáng buồn là bà Pankhurst không sống được đến ngày nhìn thấy ước mơ của mình trở thành hiện thực. Bà qua đời khoảng ba tuần trước khi Chính phủ Anh thông qua luật trao quyền bầu cử bình đẳng cho phụ nữ.
Anne Frank và cuốn nhật ký phi thường
|
Ảnh chân dung Anne Frank tại Viện Bảo tàng diệt chủng Do Thái ở Budapest. |
“Chúng ta không thể đảo ngược những gì đã xảy ra nhưng có thể ngăn chặn nó lặp lại”. Đó là dòng thông điệp đầy xúc cảm của cô gái trẻ 13 tuổi người Do Thái Anne Frank (1929-1945) khi trú ẩn ở Amsterdam (Hà Lan) trong Thế chiến II. Đây là một trong những cuốn sách phổ biến nhất thế giới với hơn 30 triệu bản được bán ra.
Câu chuyện cuộc sống của Anne Frank dưới thời Đức quốc xã chiếm đóng Hà Lan được dịch ra 67 thứ tiếng, được chuyển thể thành phim và kịch. Ngôi nhà của cô bé giờ trở thành một viện bảo tàng thu hút hàng triệu du khách. Anne Frank qua đời ở trại tập trung Bergen-Belsen (miền bắc Đức) vào năm 1945, chỉ vài tuần trước khi trại được quân đồng minh giải phóng.
Simone de Beauvoir, nhà tư tưởng vĩ đại
|
Triết gia Pháp Simone de Beauvoir Ảnh: CNN. |
Cuốn sách The second sex (Giới tính thứ hai) của nữ triết gia Pháp Simone de Beauvoir (1908-1986) là cột mốc của phong trào đấu tranh vì nữ quyền thế giới. The second sex phân tích cách đối xử và quan niệm về phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử, và gây tranh cãi đến mức Tòa thánh Vatican liệt vào danh sách những cuốn sách bị cấm.
“Mọi hành vi đàn áp đều dẫn tới tình trạng chiến tranh” - bà de Beauvoir từng khẳng định như thế. Bà cùng với người bạn đời Jean Paul Sartre được đánh giá là hai trong số những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20.
Rosalind Franklin, người khám phá ADN
|
Nhà hóa học Anh Rosalind Franklin làm việc trong phòng nghiên cứu - Ảnh: CNN. |
Nghiên cứu của chuyên gia hóa học Anh Rosalind Franklin (1920-1958) đóng vai trò trọng yếu trong việc xác định cấu trúc của ADN. Các bức ảnh X-quang chụp ADN của bà trở thành nền tảng để các nhà khoa học Francis Crick, James Watson và Maurice Wilkins nghiên cứu cấu trúc ADN và đoạt giải Nobel năm 1962.
Ngoài ra bà Franklin còn là nhà tiên phong trong các nghiên cứu về cấu trúc phân tử của virút. Đáng tiếc là bà Franklin không được trao giải Nobel. Bà qua đời vì bệnh ung thư khi mới 38 tuổi. Tiếp nối nghiên cứu của bà, người đồng nghiệp Aaron Klug sau đó đoạt giải Nobel hóa học năm 1982.
Billie Jean King, huyền thoại quần vợt
|
Huyền thoại quần vợt nữ Billie Jean King - Ảnh: CNN.
|
Nữ vận động viên quần vợt Mỹ Billie Jean King, 72 tuổi, là một trong những tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử Giải Wimbledon với 20 danh hiệu. Bà nổi tiếng với trận đấu được mệnh danh là “cuộc chiến giữa hai giới tính” với tay vợt nam lừng danh Bobby Riggs năm 1973.
Bà King, khi đó 29 tuổi, đã đánh bại ông Riggs, 55 tuổi, trong trận đấu được truyền hình trực tiếp trên toàn cầu, thu hút 50 triệu khán giả. Sau đó bà thành lập Hiệp hội Quần vợt nữ và vận động vì quyền lợi công bằng cho các tay vợt nữ.
Wangari Maathai, nhà hoạt động môi trường
|
Nhà hoạt động môi trường đoạt giải Nobel hòa bình Wangari Maathai - Ảnh: CNN.
|
“Khi chúng ta trồng cây, chúng ta gieo hạt giống hòa bình và hi vọng”. Đó là tuyên ngôn của nhà hoạt động môi trường Wangari Maathai (1940-2011), người đoạt giải Nobel hòa bình năm 2004. Nhà hoạt động người Kenya thành lập phong trào Vành đai xanh năm 1977 để hỗ trợ phụ nữ nông thôn gặp khó khăn trong cuộc sống và bảo vệ môi trường.
Phong trào này sau đó lan tỏa trên phạm vi toàn cầu, đấu tranh chống hiện tượng biến đổi khí hậu. Bà Maathai là người phụ nữ châu Phi đầu tiên và là nhà hoạt động vì môi trường đầu tiên được trao giải Nobel hòa bình. Bà qua đời năm 2011 vì bệnh ung thư.
Theo Tuổi trẻ