Cuộc họp khẩn diễn ra theo yêu cầu của trưởng phái đoàn Ukraine tại Liên Hợp Quốc, cùng đại diện Mỹ và sáu quốc gia khác. Cuộc họp được Nga, với tư cách chủ tịch luân phiên, lên lịch vào lúc 21h giờ New York (tức 9h ngày 22/2 theo giờ Việt Nam), theo Washington Post.
Cuộc họp diễn ra bất thường sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 chính thức tuyên bố Moscow công nhận độc lập với 2 vùng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 21/2 nói rằng khủng hoảng có thể được giải quyết mà không cần dùng vũ lực, chỉ trích gay gắt việc Nga xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đi ngược với các quy tắc Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytya cho rằng động thái mới nhất của Nga khiến toàn bộ Liên Hợp Quốc bị “tấn công”, khẳng định biên giới quốc gia Ukraine không thay đổi, bất chấp tuyên bố từ Moscow.
Đồng loạt lên án
Tại cuộc họp, ông Kyslytya nói rằng mình phải miễn cưỡng đeo khẩu trang, không phải vì Covid-19, mà vì loại virus đến nay vẫn chưa có vaccine - virus phát tán từ Điện Kremlin.
Đại sứ Ukraine thúc giục phía Nga nên “đọc đi đọc lại” tuyên bố của tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các hành động của Moscow vi phạm Hiến chương.
|
Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytya cho biết phải đeo khẩu trang vì "virus phát tán từ Điện Kremlin". Ảnh: Washington Examiner.
|
Trong khi đó, Mỹ và Anh cho biết sẽ sớm đưa ra các lệnh trừng phạt, được cho là để đáp trả hành động Tổng thống Putin công nhận độc lập hai nhà nước ly khai thân Nga ở Donetsk và Luhansk, theo Reuters.
“Ngày mai, Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt Nga, do sự vi phạm trắng trợn luật quốc tế với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 21/2.
Bà Thomas-Greenfield nghi ngờ về quyết định đưa quân của Nga đến miền Đông Ukraine.
“Ông ấy gọi đó là lực lượng duy trì hòa bình. Điều này thật phi lý. Chúng ta đều biết họ thực chất là gì”, bà Thomas-Greenfield nói.
Đại sứ Mỹ phản pháo các cáo buộc của ông Putin về việc phương Tây gây lo ngại cho an ninh Nga, nói rằng những tuyên bố này “thái quá, sai sự thật, nhằm tạo cái cớ cho chiến tranh”.
Phái đoàn Anh tại Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể diễn ra nếu Nga tấn công Ukraine, Guardian đưa tin.
“Một cuộc tấn công sẽ mang đến chiến tranh, cái chết, và sự hủy diệt với người dân ở Ukraine. Nga đang khinh thường trắng trợn luật pháp quốc tế khi cố vẽ lại biên giới bằng vũ lực”, Đại sứ Anh Dame Barbara Woodward nói.
|
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Washington chuẩn bị áp đặt lệnh trừng phạt Nga vào ngày 22/2. Ảnh: AP.
|
Ngay cả Trung Quốc - hay đứng về phía Nga tại Hội đồng Bảo an - cũng cho thấy sự không hài lòng với những động thái mới đây của Moscow.
Đại sứ Trung Quốc Zhang Jun kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tránh những hành động leo thang căng thẳng, theo New York Times.
Nhiều nước trung gian kêu gọi các bên kiềm chế và thúc đẩy ngoại giao mang tính xây dựng. Các nước như Ấn Độ và Nhật Bản đã kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine, sau những căng thẳng mới nhất tại miền Đông Ukraine.
Nguy cơ xung đột leo thang
Về phía Nga, Đại sứ Vasily Nebenzya cho biết những tuyên bố của đại diện phương Tây là những đòn “công kích trực tiếp” và nói rằng Moscow sẽ không bỏ qua chuyện này.
Ông Nebenzya cho rằng Nga đang hành động để bảo vệ người dân tại hai vùng Donetsk và Luhansk, bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột với Ukraine từ năm 2014.
Đại sứ Nga cáo buộc Ukraine "nói chuyện với công dân ở miền Đông bằng súng ống và đại bác, cũng như đe dọa pháo kích", nói rằng Kiev vi phạm hiệp định Minsk - thỏa thuận ngăn xung đột ở Donbas.
"Chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng ngoại giao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không cho phép một cuộc 'tắm máu' xảy ra ở Donbas", ông Nebenzya nói.
|
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya có màn khẩu chiến với phương Tây tại cuộc họp Hội đồng Bảo an ngày 21/2. Ảnh: Reuters.
|
Viết trên Twitter, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi Hội đồng Bảo an tham vấn điều 6 bản ghi nhớ Budapest để thảo luận các hành động khẩn cấp nhằm giảm leo thang, đảm bảo an ninh ở Ukraine.
Bản ghi nhớ Budapest được ký kết năm 1994, theo đó Mỹ, Anh, Nga công nhận Ukraine, Belarus, Kazakhstan - thuộc Liên Xô cũ - từ bỏ kho dự trữ vũ khí hạt nhân, và tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, để đổi lại sự bảo đảm an ninh.
Theo điều 6 bản ghi nhớ, các nước ký kết có quyền tham vấn nếu có những thắc mắc hay các bên vi phạm cam kết.
Tuy nhiên, hiệu quả của thỏa thuận này không thực sự rõ ràng, khi Ukraine và phương Tây đã cáo buộc Nga vi phạm từ năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea.
Giới quan sát cho rằng một khi Ukraine cảm thấy bản ghi nhớ Budapest không còn hiệu quả, Kiev có thể cân nhắc xây dựng và phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này có thể khiến căng thẳng Nga - Ukraine tăng vọt.
Theo Trần Hoàng/Zing