Ấn Độ khẳng định vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thiết lập một quan hệ song phương với Ấn Độ, mặc dù mối quan hệ mới này có khả năng sẽ gây lo ngại cho Bắc Kinh và Nga, các chuyên gia nói với Sputnik.
“Tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ muốn tiếp tục giữ vững quan hệ với Nga và Trung Quốc mặc dù họ cũng đang cố gắng thắt chặt quan hệ với Mỹ”, Chuyên gia về Nam và Đông Nam Á tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, Michael Kugelman nói với Sputnik vào hôm 21/1 vừa qua.
|
Tổng thống Mỹ Barrack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong lễ kỷ niệm Quốc Khánh thứ 66 của Ấn Độ
|
Vào 25/1, Tổng thống Obama đã bắt đầu chuyến công du 2 ngày tới Ấn Độ để tham gia vào lễ kỷ niệm ngày Quốc Khánh Ấn Độ và có một loạt các cuộc họp với quan chức nước này để thảo luận về các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, kinh tế, năng lượng hạt nhân dân sự và biến đổi khí hậu.
Ấn Độ, Trung Quốc và Nga từ lâu đã hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực bao gồm việc thành lập nên liên minh 5 nền kinh tế mới nổi bao gồm cả Brazil và Nam Phi (BRICS). Ấn Độ đã có truyền thống hợp tác với Nga về các lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, và có rât nhiều giao với Trung Quốc.
Quan hệ Nga - Ấn
Trong chuyến thăm tới Ấn Độ, Obama đã đồng ý với Ấn Độ về một số vấn đề bao gồm biến đổi khí hậu và hợp tác năng lượng, một động thái theo ông Kugelman nói là sẽ gây nên sự lo lắng đối với Nga.
“Tôi nghĩ Mỹ đang cố gắng gửi đi một thông điệp cho Nga bằng việc có một cuộc hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi”, ông Kugelman nói. “Tôi nghĩ Nga rất quan tâm tới việc thắt chặt hơn sự hợp tác năng lượng đã rất phát triển với Ấn Độ.
Kugelman nói thêm rằng việc Ấn Độ sẽ phản ứng như thế nào về việc “định hướng mối quan hệ của họ với Nga” vẫn “chưa rõ ràng”.
Tuy nhiên, một thành viên cao cấp trong Hội đồng Đại Tây Dương, Shuja Nawaz cho hay kể từ khi Ấn Độ trở thành “quốc gia toàn cầu” và trở thành đối tác của Mỹ - một quốc gia đang có mối quan hệ tồi tệ với Nga, nước này có thể sẽ có “mối quan hệ riêng với Ấn Độ”.
Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ
Các chuyên gia cho biết Trung Quốc cũng có thể sẽ thấy lo ngại khi Ấn Độ và Mỹ thiết lập mối quan hệ song phương.
“Trung Quốc sẽ rất quan tâm về vấn đề Ấn Độ và Mỹ đang tiến lại gần nhau hơn”, Chuyên gia về Nam và Đông Nam Á, Michael Kugelman cho hay. “Mặc dù ông Modi đã rất rõ ràng trong việc hỗ trợ Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc biết là Ấn Độ sẽ không làm gì bị coi là khiêu khích đối với Trung Quốc”.
Ông Nawaz nói với Sputnik rằng mặc dù mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ là rất tốt, Trung Quốc cũng sẽ quan sát cẩn thận những hành động khi mối quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Mỹ đang ngày một lớn mạnh hơn.
“Trung Quốc có tầm nhìn rất xa về mối quan hệ thương mại của họ, họ sẽ tiếp tục quan tâm tới vấn đề này”, Nawaz cho hay.
Chuyến công du của Tổng thống Obama tới Ấn Độ là chuyến viếng thăm thứ 2 kể từ lần đầu tiên tới thăm Ấn Độ của ông hồi năm 2010, và cũng vị Tổng thống đương nhiệm Mỹ đầu tiên có chuyến công du thứ 2 tới Ấn Độ.
Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry cũng đã có chuyến thăm Ấn Độ hồi đầu tháng 1 và cho biết hai nước sẽ tiếp tục củng cố quan hệ bằng việc chiến đấu chống khủng bố, có các cuộc đối thoại về các vấn đề an ninh và chính trị, và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở cả hai nước.
Trong chuyến công du tuần này, Tổng thống Barrack Obama đã đồng ý với Ấn Độ về một số giao dịch bao gồm một thỏa thuận đột phá về hạt nhân, việc này sẽ cho phép Ấn Độ có khả năng tiếp cận tốt hơn với công nghệ hạt nhân dân sự cùng với các thỏa thuận thương mại và đâu tự khác có trị giá 4 tỷ USD trong 2 năm tới.
Nguyễn Trung