Theo AFP, lực lượng phòng thủ chung được khởi xướng bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, có thể nhanh chóng triển khai tới các điểm nóng nhằm đối phó với các đe dọa, khủng hoảng về an ninh đối với châu Âu. 9 nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ đóng góp vào lực lượng này.
"Văn bản thỏa thuận sẽ được ký kết tại Luxembourg ngày 25/6 bởi Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói với Le Figaro.
|
Binh sĩ Đức tham gia cuộc tập trận tại Romania năm 2017. Ảnh: Getty. |
Pháp cho biết sáng kiến về lực lượng phòng thủ chung này tách biệt với cơ chế hợp tác quốc phòng của EU. Điều này cho phép Anh, nước đang trong quá trình "ly dị" với EU, có thể tham gia sau khi đã rời khối. Cơ chế này cũng để ngỏ cánh cửa tham gia của các nước không phải thành viên của EU trong tương lai.
"Anh rất quan tâm tới sáng kiến này bởi họ muốn duy trì hợp tác ở mức độ lớn hơn so với quan hệ song phương đơn thuần với châu Âu sau quá trình hậu Brexit", AFP dẫn lời ông Parly.
Các chuyên gia nhận định việc một nhóm nhỏ các nước châu Âu tập hợp cùng nhau xây dựng lực lượng quân sự chung giúp nhóm này có thể phản ứng chính xác và kịp thời trong các tình huống khẩn cấp.
|
Binh sĩ các nước EU trong cuộc tập trận ở Romania năm 2017. Ảnh: Getty. |
EU xây dựng 4 lực lượng tác chiến đa phương từ năm 2007, tuy nhiên bất đồng chính trị khiến các lực lượng này chưa từng được triển khai trên thực địa.
Tháng 12/2017, 25 nước thành viên EU ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng, thống nhất hợp tác trong nhiều dự án quân sự. Tuy nhiên, thỏa thuận này không đề cập tới khả năng Anh tham gia hợp tác quân sự sau khi nước này rời EU.
Theo Zing News