Ngày 24-11, hãng Reuters đưa tin cảnh sát Pháp đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán khoảng 5.000 người biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng tại đại lộ Champs Élysées, khi những người này xô xát với lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ ngăn cản họ tiếp cận Điện Élysées (dinh Tổng thống Pháp) ở gần đó.
3.000 cảnh sát và máy bay trực thăng đã được điều động để đảm bảo an ninh, đối phó với phong trào “áo vàng” - những người biểu tình mặc áo phản quang.
Người biểu tình quá khích
Bầu không khí trở nên căng thẳng khi những người biểu tình xô đổ các thanh chắn và vật dụng trên đường phố để dựng một rào cản ở giữa đại lộ. Nhiều người lấy đá lát vỉa hè và pháo ném về phía cảnh sát, hò hét yêu cầu Tổng thống Emmanuel Macron từ chức, khiến khu vực Champs-Élysées hỗn loạn. Những đám cháy bùng lên trên đại lộ. Giao thông hoàn toàn bị tê liệt ở các khu vực xung quanh. Ít nhất 13 người đã bị bắt giữ.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã cáo buộc lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen kích động người biểu tình. Chính quyền thành phố Paris đã cấm việc tập hợp ở Quảng trường Concorde, nơi mà hơn 36.000 người trên Facebook tuyên bố tham gia biểu tình; đồng thời, đề nghị họ đến khu Champs de Mars gần tháp Eiffel, nhưng những người biểu tình đã từ chối. Họ thông báo sẽ tập hợp ở đại lộ Champs-Elysées và bà Marine Le Pen cũng kêu gọi biểu tình ở đại lộ này. Trên khắp nước Pháp, phong trào “áo vàng” đã tập hợp được 81.000 người tham gia biểu tình.
Cuối tuần trước, gần 300.000 người biểu tình “áo vàng” đã phong tỏa nhiều tuyến đường giao thông lớn, cơ sở chiến lược khắp nước Pháp. Phong trào đã tiếp diễn trong suốt tuần qua, với hậu quả tính đến nay là 2 người chết, 620 người bị thương, trong đó có không ít cảnh sát. Cuộc biểu tình cũng khiến kinh tế Pháp bị ảnh hưởng khi một thống kê cho hay, doanh thu hàng ngày của các nhà bán lẻ giảm 35%.
Mở hầu bao và đối thoại
Theo thông cáo của Điện Élysée, ngày 27-11 tới, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ trình bày những lựa chọn chiến lược về năng lượng cho tương lai trước Hội đồng Quốc gia chuyển đổi sang kinh tế xanh gồm các đại biểu dân cử, nghiệp đoàn, hội đoàn và các tổ chức phi chính phủ. Trước đó, ngày 22-11, Tổng thống cho biết sẽ đề nghị một hướng mới có hỗ trợ tài chính, tham khảo ý kiến và đổi phương pháp thực hiện. “Chính phủ đã nghe thông điệp của người dân, đó là phải tiến xa hơn. Để được xã hội chấp thuận, công cuộc chuyển đổi qua năng lượng sạch, một nhu cầu cần thiết, phải công bằng và dân chủ”, thông cáo của Điện Élysée có đoạn.
Thái độ Chính phủ Pháp từ cứng rắn đổi qua đối thoại được giới bình luận xem là tinh tế, rằng chủ nhân Điện Élysée hiểu được sự bất bình của người biểu tình và nhìn ra được cách tiếp cận mới. Bên cạnh một số biện pháp tài chính được Thủ tướng Edouard Philippe hứa hẹn hồi đầu tuần, như hỗ trợ thay thế máy sưởi đốt bằng dầu cặn, mua xe mới ít gây ô nhiễm, phát triển năng lượng tái tạo, bây giờ có thêm đề nghị tham khảo, thương thuyết trên mọi vùng lãnh thổ. Theo tờ Le Figaro, hàm ý của đề nghị này là không bỏ rơi nông thôn, không quên các lãnh thổ hải ngoại, mà cụ thể là đảo Reunion vốn đang có bạo động từ một tuần nay.
Chọn “mở hầu bao và đối thoại” thay vì cứng rắn để giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa xã hội và môi trường, Tổng thống Macron được ủng hộ từ nhiều phía. Bộ trưởng Môi trường Francois de Rugy và Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, đảng trung hữu Phong trào dân chủ (MoDem) khuyến khích Điện Élysée thương lượng rộng rãi với mọi tầng lớp xã hội. Công đoàn cánh tả CFDT cũng “bắn” tín hiệu sẵn sàng tham dự. Trên thực tế, khó khăn hiện nay đã được tiên liệu ngay từ khi ông Macron mới nhậm chức. Trong mùa hè năm 2017, ông Macron đã cảnh báo nhóm cố vấn thân cận: “Chúng ta sẽ bị mất lòng dân nhưng có một điều không thể thay đổi được, đó là sự kiên tâm. Khi tình hình sáng sủa trở lại thì uy tín sẽ lên theo”.
Theo ĐỖ CAO/SGGP