Phản ứng sớm, kết hợp cùng lúc nhiều biện pháp
Theo bài viết, tính đến ngày 21/4/2020, Việt Nam đã ghi nhận 268 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong. Việt Nam đã điều trị thành công 201 bệnh nhân, tiến hành 206.253 xét nghiệm và cách ly 62.998 người. Bài viết cho rằng, mặc dù hạn chế về nguồn lực y tế và có chung đường biên giới dài với Trung Quốc nhưng Việt Nam đang kiểm soát đại dịch thành công.
Việt Nam đã kích hoạt hệ thống phản ứng từ rất sớm, sử dụng phương pháp tích hợp để chống COVID-19. Điều này bao gồm tiến hành cùng lúc việc xét nghiệm, theo dõi, cách ly và điều trị cùng các chính sách thực thi, tăng cường giáo dục cộng đồng, tăng cường các nguồn lực xã hội và khuyến khích hành vi tích cực trong cộng đồng.
Chống dịch COVID-19 trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ vào tháng 2/2020. Đầu tháng 4/2020, Việt Nam đã công bố dịch bệnh trên toàn quốc để phản ánh quan điểm này.
|
Ảnh minh họa. |
Kể từ cuối tháng 3/2020, Việt Nam đã mở rộng biện pháp hạn chế đi lại có chọn lọc, trong đó tạm dừng nhập cảnh đối với công dân nước ngoài. Tất cả khách du lịch mới đến Việt Nam đều phải cách ly tập trung bắt buộc. Hành khách trên các chuyến bay được yêu cầu phải đeo khẩu trang. Nhiều khách sạn, ký túc xá và doanh trại quân đội được chỉ định trở thành các trung tâm cách ly. Những chuyến bay có người mắc COVID-19 được công bố rộng rãi để tạo thuận lợi cho việc theo dõi tiếp xúc liên lạc của bệnh nhân. Biện pháp cách ly cũng được áp dụng cho các cộng đồng lớn, nơi phát hiện ra có ca mắc COVID-19.
Việt Nam đã thành công trong việc phát triển bộ kit xét nghiệm COVID-19 để sàng lọc rộng rãi các trường hợp nghi nhiễm vào tháng 3/2020, đồng thời tiến hành xét nghiệm miễn phí cho hành khách tại các sân bay và yêu cầu khách du lịch mới đến cũng như người dân phải khai báo tình trạng sức khỏe, bao gồm cả khai báo điện tử.
Sự bùng phát ổ dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai - điểm nóng lây nhiễm lớn nhất trên toàn quốc, trong đó có 44 ca mắc tại Hà Nội, đã thúc đẩy nhà chức trách mở rộng việc sàng lọc có chọn lọc thông qua thiết lập 10 trạm test nhanh ở các khu vực xung quanh và tiến hành xét nghiệm tại các khu chợ. Các hiệu thuốc cũng được yêu cầu phải thông báo nếu có khách hàng mua thuốc ho cảm hay thuốc hạ sốt.
Tăng cường nhận thức trong cộng đồng, chung sức chung lòng
Việt Nam đã thành lập một số bệnh viện dã chiến để chuẩn bị ứng phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19, ứng dụng công nghệ mới để phát triển robot khử trùng các căn phòng và chuyển giao vật tư y tế đến các khu cách ly.
Giáo dục cộng đồng đang được sử dụng như 1 biện pháp phòng ngừa. Tin nhắn văn bản thường xuyên được gửi tới 38,44 triệu người dùng điện thoại thông minh với các thông tin cập nhật về dịch COVID-19. 65 triệu người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam cũng hỗ trợ lẫn nhau tăng cường nhận thức bằng cách chia sẻ video phòng chống COVID-19, chẳng hạn như bài hát về cách rửa tay đã được lan tỏa toàn cầu.
Ở giai đoạn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ mới khuyến nghị người dân đeo khẩu trang tại tất cả các cơ sở công cộng và WHO đang xem xét cập nhật các hướng dẫn về biện pháp này thì tại Việt Nam, quy định đeo khẩu trang đã có hiệu lực vào ngày 17/3 và được thực hiện tại tất cả các nơi công cộng. Việt Nam cũng yêu cầu giấy phép xuất khẩu khẩu trang và áp dụng hình phạt nặng đối với những nhà bán lẻ cố tình nâng giá mặt hàng này. Hình phạt đối với việc vi phạm các quy định phòng ngừa COVID-19, trong đó có che giấu các triệu chứng mắc COVID-19 hoặc truyền bá tin giả cũng được đưa ra.
Các chuyên gia y tế đã nghỉ hưu, sinh viên và nhiều cá nhân khác đang tình nguyện tham gia cuộc chiến chống COVID-19. Đã có nhiều cây ATM gạo được lắp đặt, khẩu trang và nhiều đồ dùng khác đang được cấp phát miễn phí cho người dân trên đường phố. Nhiều tình nguyện viên tham gia nấu ăn miễn phí cho các bác sỹ trên tuyến đầu. Hàng triệu USD đã được huy động để hỗ trợ các nỗ lực chống COVID-19.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh, nhưng quốc gia này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ổ dịch lớn nhất tại bệnh viện Bạch Mai đã được kiểm soát, nhưng các nguồn lây nhiễm không xác định vẫn có nguy cơ cao lan rộng trong cộng đồng và có thể phát sinh thêm nhiều ổ dịch khác như những gì đã xảy ra tại Hàn Quốc. Tổng cộng đã có 24.461 người được theo dõi và sàng lọc liên quan đến ổ dịch tại Bạch Mai.
Nỗ lực cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, bắt đầu từ ngày 1/4 đang cho thấy kết quả tích cực. Nhưng do thời gian ủ bệnh kéo dài, Việt Nam đã tăng cường biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn hoàn toàn việc lây nhiễm trong cộng đồng, cho phép có thời gian để phát hiện các ca bệnh mới. Kịch bản phong tỏa toàn thành phố cũng được lên kế hoạch.
Giống như các nước khác, những chiến lược này chắc chắn sẽ làm suy yếu nền kinh tế. Nhưng Việt Nam đang nỗ lực rất lớn để duy trì phúc lợi xã hội, đặc biệt cho người nghèo và người thất nghiệp.
Bài viết cho rằng, việc chọn đúng thời điểm để Việt Nam nới lỏng các biện pháp hạn chế là điều rất quan trọng. Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng trên toàn cầu, nới lỏng các biện pháp kiểm soát có thể khiến Việt Nam có nguy cơ hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 2. Bài viết nhận định, đảm bảo an toàn và trật tự xã hội, củng cố đội ngũ các nhân viên y tế và các cơ sở hỗ trợ, đảm bảo sự tuân thủ của cộng đồng đối với biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội... là nhũng yếu tố quan trọng cần thiết để Việt Nam duy trì thành công trong cuộc chiến chống COVID-19./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN