Tờ Sunday Times (Anh) mới đây đưa tin thông tin sốc rằng số tiền 422 triệu rand (tiền Nam Phi), tương đương khoảng 30 triệu USD bị đánh cắp từ Libya đã được cất giấu dưới boongke ngầm trong dinh thự của cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma. Số tiền này là một phần nhỏ trong hàng tỷ USD mà cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi được cho là đã bí mật tuồn ra khỏi đất nước.
Theo tờ báo, thông tin về số tiền trên đã bị lộ khi được chuyển từ boongke tại nhà ông Zuma ở Nkandla để đưa tới vương quốc láng giềng Eswatini (tên cũ là Swaziland) vào đầu năm nay. Chính quyền Libya đã yêu cầu Tổng thống đương nhiệm Nam Phi Cyril Ramaphosa giúp lấy lại tiền, và Vua Eswatini, Mswati III, cũng xác nhận sự tồn tại của số tiền này đối với ông Ramaphosa vào tuần trước trong cuộc họp tại sân bay Quốc tế OR Tambo.
Ông Gaddafi được cho là đã chuyển tiền mặt tới gửi tại nhà ông Zuma trước khi nhà lãnh đạo nổi tiếng một thời này phải chạy trốn và sau đó bị sát hại bởi lực lượng nổi dậy vào tháng 10/2011.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Zuma 76 tuổi từng tuyên bố không hay biết gì về việc tiền của nhà lãnh đạo Gaddafi được cất giữ tại Nam Phi.
Nguồn gốc số tiền
Theo tờ Business Insider Nam Phi, trong những thập niên cầm quyền kể từ năm 1969, nhà lãnh đạo Libya Gaddafi đã gửi hàng tỷ USD đến các địa điểm bí mật trên khắp thế giới.
Libya có trữ lượng dầu lớn nhất ở châu Phi và nằm trong số 10 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, 6 triệu người dân Libya lại không được chứng kiến sự thịnh vượng từ dầu mỏ dưới “triều đại” Gaddafi. Đến năm 2010, nước này đã thu được hơn 30 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ mỗi năm, nhưng lại là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao.
Trong cùng năm đó, có thông tin nói rằng ông Gaddafi đã bán 1/5 trữ lượng vàng của Libya với giá 1 tỷ USD và dường như đã bỏ túi, thông qua nhiều tài khoản và công ty bí mật khác nhau, bao gồm cả quỹ tài sản có chủ quyền của Libya.
Kể từ sau cái chết của nhà lãnh đạo Gaddafi, các nhà chức trách đã nỗ lực tìm kiếm số tiền mà ông đã chuyển khỏi đất nước nhưng bất thành.
Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đề tháng 1/2010, Đại sứ Mỹ tại Libya khi đó là Gene Cretz viết, chính quyền Gaddafi kiểm soát 32 tỷ USD tài sản khắp thế giới.
Quan hệ với Nam Phi
Khi còn đương chức, Tổng thống Nam Phi Zuma là một người ủng hộ mạnh mẽ đối với nhà lãnh đạo Gaddafi và phản đối can thiệp quân sự của NATO vào Libya trong cuộc nổi dậy năm 2011.
Tờ Mail và Guaridan (Anh) từng đưa tin thời điểm đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được thông báo rằng ông Zuma đã bí mật nhận tiền từ ông Gaddafi. Nhà lãnh đạo Nam Phi đến thăm Libya vào năm 2011, và theo tờ Sunday Times, đó là thời điểm ông bàn bạc với nhà lãnh đạo Gaddafi về kế hoạch chuyển tiền ra khỏi đất nước.
|
Lãnh đạo Libya Gaddafi (phải) đón Tổng thống Nam Phi Zuma tại Tripoli vào tháng 5/2010. Ảnh: Reuters |
Vào năm 2014, tờ Sunday Independent đưa tin rằng các lực lượng đặc nhiệm từ thời chế độ apartheid đã được huy động để mang tài sản của ông Gaddafi đến Nam Phi và ban đầu, kho báu này được cất giấu tại Gauteng.
Những tài sản này được báo cáo là chưa bao giờ được thu hồi và tách biệt với 10 tỷ rand mà cựu Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan đã trả lại cho Libya vào năm 2013. Số tiền 10 tỷ rand là từ các tài khoản tại Nam Phi của Cơ quan đầu tư Libya, Danh mục đầu tư Libya châu Phi và Công ty đầu tư Libya châu Phi - tất cả đều liên quan đến ông Gaddafi.
Nhân vật quản lý tiền cho nhà lãnh đạo Gaddafi
Bashir Saleh, một cư dân Nam Phi, được cho là người quản lý tài sản của gia đình Gaddafi và cũng là người đứng đầu Danh mục đầu tư Libya châu Phi - một quỹ tài sản thuộc chủ quyền Libya đầu tư vào vùng cận Sahara.
Ông ta bị bắt trong cuộc nổi dậy năm 2011, nhưng không rõ bằng cách nào đã trốn thoát được đến Nigeria. Sau đó, Saleh đi du lịch đến Pháp rồi tới Nam Phi.
Theo một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về tài sản bị đánh cắp khỏi Libya, một số nguồn tin công khai và cá nhân đã xác nhận Saleh là người quản lý các quỹ của chế độ cũ Libya được che giấu ở Nam Phi và trên khắp những khu vực còn lại của "lục địa đen".
Năm 2011, Bashir Saleh đã chuyển 800 triệu USD từ tài khoản ngân hàng Standard Bank ở Nam Phi sang chi nhánh ngân hàng CFC Stanbic ở Kenya, báo cáo của LHQ cho biết. Bản báo cáo được công bố vào năm 2017 cũng cho hay Saleh đang cư trú, hoặc ít nhất là người thường xuyên đến Nam Phi. Trong những năm qua, ông ta cũng đã sống ở Eswatini, theo các báo cáo khác.
Cảnh sát Nam Phi đã biết về sự hiện diện của Saleh ở Nam Phi ít nhất là từ năm 2013. Vào thời điểm đó, cựu Bộ trưởng Cảnh sát Nathi Mthethwa nói rằng Saleh, người nằm trong danh sách truy nã gắt gao nhất của Interpol, đã không bị bắt vì không có hiệp ước dẫn độ giữa Libya và Nam Phi.
Saleh còn là khách mời trong sự kiện 100 năm thành lập đảng ANC (Đại hội Dân tộc Phi) ở Mangaung và cũng được nhìn thấy xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ở Durban năm ngoái.
|
Ông Gaddafi bị phiến quân giết hại vào tháng 10/2011. Ảnh: Reuters |
Giao dịch vũ khí
Báo cáo của LHQ cáo buộc rằng có thể đã có nỗ lực sử dụng một phần số tiền bị đánh cắp từ Libya để thanh toán cho một thỏa thuận vũ khí trị giá nhiều tỷ USD. Năm 2013, đại diện Libya đã đến Nam Phi để mua xe tăng và trực thăng tấn công.
Bản báo cáo cho biết khi đó một số tiền lớn đã có sẵn và các cuộc đàm phán dường như khá tiến triển. Các nhân chứng cho rằng xe tăng và máy bay trực thăng sẽ được trả bằng "tài sản được chế độ (Gaddafi) cất giấu ở Nam Phi”.
Báo cáo có dẫn cả một đơn đặt hàng thiết bị từ Libya và thư của Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi Nosiviwe Mapisa-Nqakula (người được ông Zuma bổ nhiệm vào năm 2012, hiện vẫn phục vụ trong nội các của Tổng thống Nam Phi, Ramaphosa). Trong thư, bà Nosiviwe viết: "Tôi chân thành mong muốn tôn trọng yêu cầu của ngài trên cơ sở mối quan hệ lâu dài và tiếp tục chín muồi giữa hai nước chúng ta".
Tuy nhiên, bản báo cáo lưu ý rằng Chính phủ Nam Phi cuối cùng đã không đáp ứng đề nghị về hợp đồng vũ khí nói trên.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức