Đối với Moscow, có nhiều mối đe dọa hơn là cơ hội củng cố ảnh hưởng của mình ở quốc gia láng giềng Trung Á đang rúng động vì bạo loạn.
Có một con số thống kê cho thấy tầm quan trọng của Kazakhstan đối với Nga đó là hai nước có một trong những đường biên giới chung lớn nhất thế giới, với 7.600 km.
Vấn đề giữa 2 nước không chỉ ở độ dài của đường biên giới chung. Các khu vực lân cận của Nga và Kazakhstan có tầm quan trọng về mặt quân sự từ thời Liên Xô. Các địa điểm quan trọng bao gồm bãi thử tên lửa Kapustin Yar (của Nga nhưng có một phần nằm ở Kazakhstan) và nhiều nhà máy sản xuất vũ khí trong và gần dãy núi Ural. Về mặt địa chính trị, Kazakhstan và phần lớn khu vực được coi là sân sau của Nga.
|
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và Tổng thống Nga Vlaimir Putin. Ảnh: Sputnik/AP |
Khi Nga cử lực lượng lính dù đến Kazakhstan ngày 6/1 để giúp chính quyền Kazakhstan dập tắt các cuộc biểu tình lớn, hoạt động này cũng là nhằm đảm bảo lợi ích của chính Moscow.
Lực lượng của Nga được triển khai trong “sứ mệnh gìn giữ hòa bình” của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự của 6 quốc gia thuộc Liên Xô cũ do Moscow dẫn đầu.
Theo ông Nikolai Petrov, một chuyên gia người Nga nghiên cứu về các vấn đề chính trị, tình hình bất ổn ở Kazakhstan là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với chính nước Nga. Đặc điểm đường biên giới “quá dài” giữa Nga và Kazakhstan cũng là lý do khiến khu vực này không được bảo vệ tốt như mong muốn.
Lợi ích của Nga ở Kazakhstan
Tầm quan trọng của Kazakhstan đối với Nga không phải là điều cần phóng đại. Kazakhstan là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ lớn nhất, giàu có nhất ở Trung Á, và cũng có quan hệ gần gũi nhất với Nga.
Kazakhstan cùng với Nga và Belarus đã thúc đẩy việc thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu kiểu EU vào năm 2015, một dự án uy tín đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo số liệu chính thức vào năm 2020, người Kazakhstan là nhóm lớn nhất trong số sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học Nga, với hơn 60.000 người. Trong các cuộc khảo sát do Trung tâm Levada tại Moscow thực hiện, khoảng 1/3 số người Nga được hỏi đánh giá Kazakhstan là quốc gia thân thiện thứ hai sau Belarus.
Tháng 12/2021, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, trong cuộc gặp với người đồng cấp Kazakhstan khi đó là Askar Mamin, đã thông báo thương mại song phương đạt mức kỷ lục.
Hợp tác chiến lược quan trọng nhất giữa Nga và Kazakhstan là lĩnh vực không gian vũ trụ. Kazakhstan thừa hưởng sân bay vũ trụ Baikonur sau khi Liên Xô tan rã và hiện Nga thuê sân bay này với giá 115 triệu USD/năm. Nga hiện đã đưa vào vận hành một sân bay vũ trụ ở vùng Viễn Đông nước này, nhưng vẫn có ý định tiếp tục sử dụng sân bay Baikonur ở Kazakhstan.
Một số công ty dầu mỏ của Nga, cũng như của Mỹ, đang hoạt động tại đất nước Kazakhstan giàu tài nguyên. Nga cũng tham gia khai thác urani ở Kazakhstan và đang hy vọng sẽ sớm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước láng giềng Trung Á. Trong những năm gần đây, nhu cầu điện của Kazakhstan tăng vọt và nước này đã đề nghị Nga trợ giúp.
Tuy nhiên, một chuyên gia từ Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga (RIAC), một tổ chức tư vấn thân cận với chính phủ, đã nhấn mạnh trong một bài phân tích rằng Nga “không phải là một hình mẫu hấp dẫn” cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Kazakhstan. Báo cáo cho biết, giới lãnh đạo chính trị và xã hội của quốc gia Trung Á này còn có “các mô hình khác”, từ châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đến Singapore.
Khả năng Nga sáp nhập Bắc Kazakhstan?
Không giống như Belarus, Kazakhstan không phụ thuộc vào các khoản vay của Nga. Mặc dù có mối quan hệ thân thiết, giới lãnh đạo chính trị Kazakhstan vẫn cố gắng giữ khoảng cách nhất định với Nga. Không có gì ngạc nhiên khi vài năm trước, Tổng thống Kazakhstan lúc bấy giờ, Nursultan Nazarbayev, đã quyết định thay đổi bảng chữ cái Kazakhstan từ Cyrillic, một di sản của chế độ Xô Viết, sang các chữ cái Latin.
Khoảng 3,5 triệu người dân tộc Nga sinh sống ở các tỉnh phía Bắc của Kazakhstan, trên tổng dân số khoảng 19 triệu người. Suốt nhiều năm, đã có những đồn đoán ở cả 2 nước về việc liệu Nga có sáp nhập các vùng lãnh thổ này theo cách tương tự như bán đảo Crimea hay không.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã bác bỏ những lo ngại như vậy trong một cuộc phỏng vấn với DW vào năm 2019. Ông Tokayev nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Kazakhstan và Nga “hoàn toàn được đánh dấu bằng sự tin cậy và thiện chí láng giềng”.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước vẫn có sự căng thẳng, điều đã trở nên rõ ràng hơn vào cuối năm 2020. Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Nikonov từng gọi lãnh thổ của Kazakhstan là “một món quà tuyệt vời”. Bộ Ngoại giao Kazakhstan sau đó phản đối gay gắt và ông Nikonov đã phải đảo ngược tuyên bố về vấn đề này.
Hiện nay, có một cuộc thảo luận mới, đặc biệt là trên các mạng xã hội, về các hành động của Nga ở Kazakhstan. Nhiều người cho rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể nắm bắt việc triển khai quân đội như một cơ hội để mở rộng sự hiện diện của Nga ở Kazakhstan. Nga hiện không có căn cứ quân sự nào ở nước này.
Nga lo ngại về những “biến động sắc màu”
Trong bất cứ trường hợp nào, tình hình bất ổn ở Kazakhstan là một cơn ác mộng đối với Tổng thống Nga. Điện Kremlin đã gọi những sự kiện như vậy là “các cuộc cách mạng sắc màu” – theo khuôn mẫu của Cách mạng Hoa hồng năm 2003 ở Gruzia và Cách mạng Cam ở Ukraine vào năm 2004. Moscow cáo buộc phương Tây dàn dựng những cuộc biến động như vậy.
Cuộc nổi dậy thành công gần đây nhất là vào năm 2018 ở Armenia, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nga. Còn tại Belarus, Tổng thống Alexander Lukashenko đã duy trì được quyền lực bằng vũ lực vào năm 2020.
“Tất cả các nước láng giềng quan trọng của Nga đã bị rung chuyển vì bất ổn xã hội. Nếu ở Điện Kremlin, tôi sẽ bắt đầu lo lắng về việc liệu Nga có thể là nước tiếp theo hay không”, chuyên gia về Nga Hans-Henning Schröder nói với DW.
Theo Hoàng Phạm/VOV