Tổng thống Nga Vladimir Putin miêu tả sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết là “một thảm họa địa chính trị lớn nhất” của thế kỷ 20. Ông Putin tỏ ra lấy làm tiếc khi Liên bang Xô Viết bị tan rã, kéo theo sự chia rẽ sâu sắc về kinh tế, ngôn ngữ, xã hội và văn hóa, những thứ đã kết nối 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Đó là những mối thân tình mà ông Putin muốn tái tạo.
Tầm nhìn này, nếu không được chia sẻ bởi đa số các dân tộc sống trong vùng đất của Liên Xô cũ, ít nhất đã nhận được sự thấu hiểu. Ví dụ như, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazabayev đã cố gắng tạo ra một liên minh các nước thuộc Liên Xô trước đây trong vòng hai thập kỷ qua mà không chịu bất kỳ áp lực nào từ Nga. Những nỗ lực của ông gần đây đã được đền đáp khi Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU) thành lập với sự tham gia tích cực trong vai trò nhà sáng lập của Kazakhstan, Belarus, Nga và vai trò thành viên như Armenia.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải ngoài cùng) cùng với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (bên trái ngoài cùng) và Tổng thống
Kazakhstan ông Nursultan Nazarbayev (ở giữa) trong cuộc hội đàm về Liên minh kinh tế Á - Âu.
|
Một ví dụ tốt cho tình hình ở phía Nam Trung Á là Tajikistan. Với thu nhập quốc dân là 870 USD theo đầu người (số liệu của Ngân hàng Thế giới), đây là nước cộng hòa nghèo nhất khu vực. Kể từ cuộc nội chiến, nền kinh tế đất nước phụ thuộc nhiều vào lượng kiều hối từ Nga. Nước này dựa nhiều vào quân đội Nga để chống lại các mối nguy quốc gia chẳng hạn buôn lậu thuốc phiện từ nước láng giềng Afghanistan.... Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon rất dễ bị ảnh hưởng bởi các áp lực từ phía Nga.
Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tới Tajikistan đang lớn dần, với việc các mối quan hệ kinh tế đang được cải thiện đáng kể sau khi cuộc nội chiến kết thúc năm 1997. Trung Quốc đã đưa ra các khoản vay và giúp Tajikistan xây đường xá, các đường hầm, cơ sở hạ tầng năng lượng. Các công ty Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực thăm dò dầu mỏ, khí đốt và đào vàng. Nước này có thể xuất khẩu năng lượng và khoáng sản cho Trung Quốc, thay thế cho xuất khẩu bông, ngành xuất khẩu quan trọng nhất của Tajikistan. Nền kinh tế vẫn còn phải dựa vào ngành nông nghiệp, nhưng nếu khai thác mỏ và năng lượng có thể phát triển, kinh tế của Tajikistan sẽ hướng dần về Trung Quốc, điều thách thức tầm ảnh hưởng của Nga tại nước này.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại quan tâm tới vấn đề an ninh hơn, nhất là sự ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Á và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lên vùng Tân Cương của Trung Quốc. Việc cảnh sát Trung Quốc phát hiện ra một loạt các hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ giả trong tay một nhóm người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc là một ví dụ.
Ngày càng có nhiều yếu tố làm thay đổi quan điểm của Trung Quốc ở Trung Á. Người quyền lực nhất Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã đưa ra một khái niệm về “giấc mơ Trung Quốc” – sự trẻ hóa quốc gia tạo ra một xã hội phồn vinh, và láng giềng của Trung Quốc cũng có cơ hội tham gia vào xã hội này. Ông Tập Cận Bình đã nhắc lại huyền thoại về con đường Tơ Lụa vào thời nhà Hán. Nhấn mạnh về sức mạnh của Trung Quốc và sự năng động thương mại vốn có từ xưa phù hợp với một thể chế dựa vào chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và nâng mức sống của người dân lên cao hơn. Việc quay trở lại Trung Á với sức mạnh kinh tế cho thấy Trung Quốc đã hoàn toàn lấy lại vị thế của nền kinh tế hàng đầu thế giới dưới sự lãnh đạo mới. Trong một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thay đổi dần các ưu tiên của mình, ông Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến về một con đường Tơ Lụa mới, kết hợp chặt chẽ những tham vọng kinh tế với mối lo về an ninh ở phía tây Trung Quốc.
|
Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Bắt đầu từ thiên niên kỷ mới, Trung Quốc đã rất nỗ lực phát triển dài hạn các tỉnh phía tây đất nước. Chính quyền Trung Quốc tin rằng, việc đó sẽ làm giảm đi sự bất mãn giữa các dân tộc thiểu số như người Ngô Duy Nhĩ. Nếu sáng kiến của ông Tập Cận Bình được thực thi, các nước Trung Á sẽ đẩy nhanh tiến độ sáng kiến này. Hơn nữa, với Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 2 thế giới, nguồn năng lượng ở Trung Á là một "mỏ vàng". Việc kinh doanh trên đất liền với láng giềng sẽ giúp Trung Quốc giảm đi những áp lực từ phía Mỹ trong việc mua dầu qua eo Malacca.
Trung Quốc thắt chặt mối quan hệ với các nước ở Trung Á không phải việc ông Putin có thể đối đầu dễ dàng như những gì ông đã làm với phương Tây. Trung Quốc không lao đầu vào cuộc chiến đắt đỏ và khó thắng, họ cũng có lợi khi khu vực này ổn định. Trung Quốc sẽ không rời bỏ khu vực và họ sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn hơn Nga, nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc giá năng lượng giảm và áp lực từ các biện pháp trừng phạt phương Tây. Không có lý do gì để tin rằng các rào cản yếu ớt của EEU sẽ giữ được Trung Quốc một thời gian dài. Nga đã tồn tại với vị thế là một cường quốc ở Trung Á chỉ bởi vì khu vực này còn quá nghèo và thoát khỏi sự chú ý của thế giới. Sự thống trị đó sẽ sớm được Trung Quốc kiểm chứng thông qua các mô hình phát triển kinh tế.
Nguyễn Trung (theo The Diplomat)