Nhà ngoại giao người Thụy Điển cùng 14 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng tại chỗ. Hành khách thứ 15, Harold Julien (người Mỹ), cũng qua đời sau đó 1 tuần do chấn thương quá nặng. Trước khi chết, ông Julien kể lại rằng đã có một vụ nổ trên máy bay trước khi nó đâm xuống đất.
Một ủy ban điều tra của chính quyền không được công nhận Rhodesia (hiện là Zimbabwe) vào năm 1962 kết luận rằng máy bay gặp nạn do lỗi của phi công, cụ thể là tính toán sai độ cao của tán rừng bên dưới. Nhưng một cuộc điều tra sau đó của Liên Hiệp Quốc đã không xác định được dứt khoát nguyên nhân tai nạn. Và thảm kịch này cho đến nay vẫn là một trong những nghi án lớn của lịch sử.
Manh mối mới
Nhiều thập niên sau, cái chết của ông Hammarskjold một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận khi một học giả Anh tên Susan Williams vào năm 2012 xuất bản quyển sách nhan đề Who Killed Hammarskjold? The UN, the Cold War and White Supremacy in Africa” (tạm dịch: Ai đã giết ông Hammarskjold? Liên Hiệp Quốc, Chiến tranh lạnh và người da trắng thượng đẳng ở châu Phi).
Cuốn sách này cam đoan đã tìm được chứng cứ mới, bao gồm các nhân chứng chứng kiến cảnh tượng chiếc máy bay bốc cháy lao xuống rừng và lời kể của Charles Southall, một quan chức hải quân Mỹ đã về hưu. Ông Southall cam đoan đã nghe được đoạn băng ghi lại lời nói của một phi công về việc đã bắn rơi một máy bay nhiều khả năng là chở ông Hammarskjold.
“Vâng, đó là chiếc Transair DC6. Chính là chiếc máy bay đó. Tôi đã bắn trúng nó. Lửa đã bốc lên. Nó đang lao xuống. Nó đã rơi”, Southall, lúc đó đang ngồi ở căn cứ nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tại Cyprus, kể lại lời của viên phi công.
Một người Mỹ khác tên Paul Abram, tự nhận mình từng làm việc tại trạm nghe lén NSA ở Iraklion, Hy Lạp, vào tháng 5.2015 đã tường trình trước một ủy ban của Liên Hiệp Quốc rằng ông cũng nghe được một đoạn thông tin truyền qua kênh vô tuyến vào ngày ông Hammarskjold thiệt mạng: “Người Mỹ vừa bắn rơi một máy bay Liên Hiệp Quốc”.
Cuốn sách của tác giả Williams đã góp phần cho sự ra đời của Ủy ban Hammarskjold, với sự tham gia tự nguyện của 4 luật sư và thẩm phán quốc tế, bao gồm thẩm phán Anh Stephen Sedley; Richard Goldstone, cựu trưởng công tố viên của các phiên tòa Liên Hiệp Quốc xét xử tội ác chiến tranh tại Rwanda và Nam Tư; Đại sứ Hans Corell, nhà ngoại giao người Thụy Điển từng giữ vị trí luật sư hàng đầu của Liên Hiệp Quốc; và Wilhelmina Thomassen, cựu thẩm phán tòa tối cao Hà Lan.
Ủy ban này vào năm 2013 đã đưa ra kết luận: “Có chứng cứ thuyết phục cho thấy máy bay là mục tiêu của một dạng tấn công hoặc đe dọa nào đó khi nó đang lượn vòng trước khi đáp xuống Ndola”. Báo cáo cũng cho rằng “nhiều khả năng toàn bộ hoạt động dẫn truyền vô tuyến tại địa phương và quanh khu vực Ndola vào đêm 17 - 18.9.1961 đã bị NSA, và có thể cả CIA, theo dõi và thu lại”.
Phát hiện trên đã buộc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tập hợp ủy ban riêng do thẩm phán Mohamed Chande Othman, chánh án tối cao của Tanzania, đứng đầu để mở lại cuộc điều tra dựa trên chứng cứ mới vào tháng 3.2015. Sau vài tháng điều tra, ủy ban này thúc giục tổng thư ký đương nhiệm liên tục gây sức ép buộc các chính phủ và các cơ quan tình báo của họ công khai hoặc giải mật thông tin có thể giúp giải thích những bí ẩn xung quanh tai nạn.
|
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki - moon sẽ đề xuất mở lại cuộc điều tra về nghi vấn ông Dag Hammarskjold bị ám sát.
|
Chiến dịch Celeste
Đến đầu tháng 8, tờ Foreign Policy dẫn nguồn tin độc quyền tiết lộ chính phủ Nam Phi gần đây đã phát hiện những tài liệu tình báo xưa cũ ghi lại chi tiết âm mưu ám sát, gọi là Chiến dịch Celeste, được lên kế hoạch chặt chẽ để giết hại ông Hammarskjold. Trong bức thư vừa gửi cho Liên Hiệp Quốc, giới hữu trách Nam Phi cho hay tài liệu đã được chuyển đến Bộ Tư pháp, nên các quan chức Liên Hiệp Quốc có thể xem qua bất cứ lúc nào, theo các nguồn tin ngoại giao. Chính vì vậy, Tổng thư ký Ban Ki-moon vào tháng sau sẽ trình bày một báo cáo dài 5 trang mô tả về sự tồn tại của chứng cứ mới và yêu cầu Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chỉ định một người nào đó, nhiều khả năng là thẩm phán Othman, giám định lại tài liệu và lần theo dấu vết mà nó chỉ ra.
Theo tờ Foreign Policy, các chứng cứ mới cung cấp manh mối cho giả thuyết rằng ông Hammarskjold có thể thiệt mạng do âm mưu ám sát của một tổ chức bán quân sự thời Apartheid ở Nam Phi, với sự tiếp tay của CIA, tình báo Anh và một công ty khai khoáng Bỉ.
Những bản sao về tài liệu của Nam Phi mô tả Chiến dịch Celeste xuất hiện lần đầu tiên cách đây 18 năm nhưng chính quyền lúc đó không thể tìm thấy tài liệu gốc, khiến công tác kiểm định tính xác thực của tài liệu chẳng thể nào thực hiện được. Các bản sao tài liệu vốn nằm trong hồ sơ liên quan đến vụ ám sát lãnh đạo Đảng Cộng sản Nam Phi Chris Hani năm 1993, được Cơ quan Tình báo quốc gia Nam Phi chuyển giao cho Ủy ban Sự thật và hòa giải Nam Phi năm 1998. Bản sao của 8 văn bản chứa đựng thư từ nội bộ giữa các thành viên của Viện Nghiên cứu biển Nam Phi (SAIMR), bị cho là bình phong của một tổ chức đánh thuê bí mật hoạt động ở Congo vào thập niên 1960. Trong đó có đề cập đến Chiến dịch Celeste nhằm “loại bỏ” Hammarskjold, người ngày càng “gây phiền phức”.
Một văn bản đóng dấu tối mật mô tả một cuộc họp bao gồm các đại diện của SAIMR và Cơ quan Tình báo Anh MI5. Các văn bản cho biết Giám đốc CIA Allen Dulles cũng tán đồng rằng “Dag đang trở nên phiền phức... và phải bị loại bỏ”. Chúng cũng khẳng định ông Dulles cam kết cử người hỗ trợ chiến dịch.
Theo hồ sơ, những kẻ phá hoại sẽ đặt vài ký thuốc nổ TNT trên càng máy bay trước khi nó cất cánh từ Léopoldville. Chất nổ sẽ được kích nổ khi phi công thu càng máy bay. Một kế hoạch dự phòng vạch ra kế hoạch kích nổ từ xa khi máy bay bắt đầu hạ độ cao xuống Ndola.
Vẫn chưa rõ chính quyền Nam Phi vừa tìm được phần tài liệu gốc nào, nhưng những quan chức từng xem qua bức thư trình lên Liên Hiệp Quốc cho hay Pretoria xác nhận đã phát hiện các tài liệu mất tích có liên quan đến chiến dịch trên. Phái đoàn Nam Phi tại Liên Hiệp Quốc không phản hồi trước câu hỏi từ báo giới, còn CIA trước đó đã bác bỏ nghi ngờ cho rằng cơ quan này phải chịu trách nhiệm cho cái chết của ông Hammarskjold, cho rằng đây là các cáo buộc “kỳ quặc và vô căn cứ”.