Đối với nhiều người, hỏa táng là một quy trình bí ẩn. Họ thường chỉ nghĩ rằng các thi thể sẽ biến mất trong một lỗ đen để rồi khi trở ra đã được hóa thành tro bụi.
Tuy nhiên, với những người làm việc trong ngành công nghiệp mai táng, đó là một quy trình phức tạp mà họ phải theo dõi hàng ngày.
David Bennett làm công việc vận hành lò thiêu tại Đài hóa thân và Công viên tưởng niệm Ngoại ô phía Bắc từ 3 năm nay.
Ông bắt đầu làm việc từ 6h sáng các ngày trong tuần và thường khá bận rộn vào thứ 6 vì số lượng khách hàng thường tăng gấp 3 so với ngày thứ 2, khi nhà tang lễ chỉ tiếp nhận khoảng 10 thi thể.
Hỏa thiêu từ xa
Nhân viên ở đây luôn cố gắng đáp ứng nguyện vọng của các tang gia. “Đó là khoảng thời gian khó khăn đối với họ bởi vậy chúng tôi luôn nỗ lực hết sức để khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn”, Bennett nói với phóng viên news.com.au.
|
David Bennett, nhân viên vận hành lò thiêu tại Đài hóa thân Ngoại ô phía Bắc, Sydney, Australia. Ảnh: news.com.au. |
Thi thể nằm trong quan tài sẽ được gắn một bảng tên bằng kim loại với số hiệu duy nhất ngay khi được đưa tới lò thiêu nhằm “truy xuất nguồn gốc”. Sau đó, tấm bảng này sẽ luôn đi cùng phần tro cốt đã được hỏa táng tới khi chúng được trao lại tận tay thân nhân người đã khuất để tránh nhầm lẫn.
Nhân viên cũng kiểm tra và ký giấy trước khi đưa thi thể vào lò thiêu để xác nhận hỏa táng “đúng người”. Quy trình hỏa thiêu luôn được theo dõi bởi camera giám sát để đảm bảo không xảy ra sai sót gì.
“Tôi cần đảm bảo không có máy trợ tim hay bất kì vật thể nào khác có thể gây rắc rối cho chúng tôi”, Bennett nói. Ông cho biết máy trợ tim được đưa vào lò thiêu sẽ gây nguy hiểm vì chúng có thể phát nổ, làm hư hại hệ thống với chi phí sửa chữa có thể lên tới 110.000 USD.
Đài hóa thân có 3 lò hỏa táng bằng thép được đặt cạnh nhau. Mỗi lò được vận hành bằng một điều khiển cầm tay đồng thời được trang bị một màn hình máy tính để theo dõi nhiệt độ, khói, khí đốt và máy hút.
Theo ông Bennett, máy tính “thực hiện mọi thứ”. Chúng cũng có thể được tiếp cận và điều khiển bởi các nhà sản xuất lò hỏa táng ở Melbourne.
|
Nhiệt độ bên trong lò hỏa táng phải đảm bảo ở mức 800-1000 độ C để vận hành. Ảnh: news.com.au. |
Băng chuyền sẽ đưa thi thể vào buồng thiêu với phần chân được đưa vào trước. Quan tài sẽ lập tức bắt lửa ngay sau khi vào lò thiêu. Phần nắp sẽ được đốt cháy trước, sau đó không khí tràn vào bên dưới quan tài sẽ làm nó bị đốt cháy nhanh hơn.
Thời điểm thi thể bắt đầu bị thiêu là lúc các nhân viên cần theo dõi chặt chẽ nhất. Một “cơ thể có kích cỡ tiêu chuẩn” cần 1,5 giờ để hỏa thiêu hoàn toàn. Các thi thể lớn có thể mất khoảng 4,5 giờ. Thi thể của những người bị béo phì thậm chí có thể bị bắt lửa bởi vậy các nhân viên cần theo dõi kỹ lưỡng hơn.
Ông Bennett cho biết các trường hợp hỏa táng phức tạp và kéo dài sẽ được nhà sản xuất lò thiêu ở Melbourne theo dõi từ xa bởi vậy các nhân viên có thể chuẩn bị mọi thứ trước rồi “về nhà uống trà” trong khi các máy hút vận hành để điều chỉnh nhiệt độ lò thiêu cho phù hợp.
Quản lý ‘hồ sơ’ các bình đựng tro cốt
Những thứ còn lại, chủ yếu là xương bị vôi hóa, sẽ rơi qua phễu xuống chiếc hố ở dưới cùng của lò hỏa táng. Sau đó, đống tro tàn cùng với bảng tên tương ứng được đưa vào “phòng chờ” để làm nguội. Cuối cùng, tro cốt được nghiền thành bụi và đưa vào hộp PVC.
Một chiếc bình đựng tro cốt thường nặng từ 4 đến 6 kg tùy theo khối lượng cơ thể của người được hỏa táng. Những chiếc bình này đều được đánh số ở mặt trước, sau và bên trong để “đảm bảo 100%” rằng những gì mà gia quyến nhận được là tro cốt người thân của họ.
“Có lần cảnh sát đã tìm thấy một bình đựng tro cốt có nhãn của Đài hóa thân Ngoại ô phía Bắc. Nhờ số hiệu duy nhất này, chúng tôi có thể lần ra gia đình người đã khuất và trả chiếc bình về cho họ”, ông Bennett kể lại.
Hàng trăm bình đựng tro được đặt trên các kệ của phòng lưu trữ an toàn bên trong cơ sở này để thân nhân đến nhận lại ngay khi có thể. Một số chiếc bình đã ở đó hơn 20 năm. Tuy nhiên, nhà tang lễ sẽ không vứt chúng đi cho đến khi có người nhà đến nhận.
|
David Bennett giải thích về cách vận hành của máy nghiền tro cốt bị vôi hóa sau khi hỏa táng. Ảnh: news.com.au. |
Trong góc phòng chờ là một chiếc thùng lớn chứa các miếng khớp gối nhân tạo bằng kim loại hoặc ceramic, xương đùi, khuỷu tay và các bộ phận thay thế khác không tan chảy trong quá trình hỏa táng. Những thứ này sẽ được bán đi để tái chế và số tiền thu được sẽ được dùng làm từ thiện.
Chiều lòng khách hàng
Phía bên trái các lò thiêu là phòng quan sát dành cho các thân nhân với phần cửa kính ngăn cách.
“Theo quy định về y tế và an toàn lao động, chúng tôi không được phép để các gia đình ở phòng thiêu vì nhiều năm trước, có một phụ nữ đã tìm cách nhảy vào đó khi chồng bà được đưa vào lò hỏa táng. Chúng tôi đã phải cố gắng kéo bà ấy ra”, Bennett kể lại.
Ana Kingi, quản lý của đài hóa thân, cho biết cơ sở của bà thường xuyên nhận được các yêu cầu đặc biệt từ gia đình người đã khuất.
Bà kể rằng một số người Hàn Quốc từng mang vàng mã tới đốt mỗi tháng một lần để tưởng nhớ người thân. Trong khi đó, những người theo văn hóa Viking lại yêu cầu được hỏa táng cùng thanh gươm và chiếc rìu nhỏ của họ.
Bà Kingi cho biết lệ phí hỏa táng tại đây bắt đầu từ mức 1.500 USD cộng với phí dịch vụ, điều hành tang lễ, bia tưởng niệm,… Theo bà, ngày càng nhiều người lựa chọn hỏa táng thay cho chôn cất bởi giá cả hợp lý, ít tốn công sức và không gian.
Đối với các tang gia, điều mà họ quan tâm nhất là sự tôn kính, tỉ mỉ và toàn vẹn được duy trì trong suốt quá trình hỏa thiêu. “Cô sẽ ngạc nhiên khi biết rất nhiều người nghĩ rằng chúng tôi bỏ xác chết ra khỏi quan tài để tái sử dụng quan tài”, ông Bennett nói với phóng viên của news.com.au.
“Chúng tôi không bao giờ đưa mình thi thể vào buồng thiêu mà luôn luôn đặt trong quan tài”, ông nói.
Theo Tuyết Mai/Zing News