|
Sonam Daggar và Naveen Kumar trong ngày ra tòa. |
Vụ án xảy ra vào năm 2009 được coi là một trong những vụ đầu độc gây rúng động lịch sử tư pháp Ấn Độ mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính những luật lệ hà khắc còn tồn tại ở nhiều nơi trên đất nước tỷ dân này.
Tội ác của thiếu nữ 19 tuổi
Đó là buổi sáng 15/9/2009, tại ngôi làng Kabulpura, bang Haryana, cách New Delhi 70 km. Khoảng 7h, một ông giáo già đã về hưu chờ mãi mà không thấy ai mang cho mình ly trà buổi sáng bèn đi sang nhà người con trai ngay cạnh. Tối qua ông có việc phải ra ngoài sau đó thấy hơi mệt nên đã về sớm nghỉ ngơi mà không tạt qua nhà con trai.
Sang tới nơi, ông phát hiện cửa số mở. Vừa nhìn vào nhà thì tá hỏa thấy con trai và con dâu nằm sõng soài dưới đất. Biết có điều chẳng lành, ông hô hoán hàng xóm xung quanh tới giúp. Và khi vào bên trong, tất cả những người có mặt đều không tin được những gì đang nhìn thấy. Trước mắt họ, 7 thành viên trong gia đình nằm la liệt khắp nơi. Sonam Daggar, cô cháu gái 19 của ông là người thứ 8 được tìm thấy vì nằm khuất trong nhà vệ sinh.
Cả 8 người được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, 7 người đã tử vong trước đó chỉ còn Sonam Daggar may mắn thoát chết.
Cảnh sát lập tức có mặt phong tỏa và khám nghiệm hiện trường, tử thi, lấy lời khai các nhân chứng. Tại đây, họ tìm thấy những gì còn sót lại của một bữa tối với bánh chapati. Kết quả phân tích chỉ ra những chiếc bánh chapati mà các nạn nhân đã ăn có chứa độc.
Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong. Qua khám nghiệm tử thi, 7 nạn nhân đều có dấu hiệu bị bóp cổ. Trong khi đó, cảnh sát xác định không có sự tác động của người lạ vào hiện trường.
Lúc này, cảnh sát bắt đầu hướng sự nghi ngờ về phía nạn nhân duy nhất còn sống sót - Sonam Daggar, người đã được tìm thấy trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Nghi vấn càng có cơ sở vì Sonam dù kêu la đau đớn, nhưng huyết áp cùng các dấu hiệu khác vẫn bình thường, có dấu hiệu sử dụng chất gây buồn ngủ còn không hề bị ngộ độc.
Đầu tiên, thiếu nữ tuổi teen khăng khăng không liên quan đến cái chết của bà, bố mẹ, anh trai và 3 người em họ khác. Nhưng khi điều tra viên đưa ra kết quả “điều trị” của cô ở bệnh viện thì Sonam liền gục xuống.
Bi kịch tình yêu không được chấp nhận
Theo thông tin từ cảnh sát, tối 14/9, Sonam đã lén pha một loại chất độc vào bột làm bánh chapati. Mọi thứ sau đó diễn ra bình thường, Sonam thậm chí còn cùng mẹ nhào bột làm bánh cho bữa tối. Sau khi ăn, lần lượt 7 thành viên trong gia đình cảm thấy đau đớn, khó thở.
Sau khi các nạn nhân bất tỉnh, Sonam ra hiệu cho người yêu mình là Naveen Kumar (20 tuổi) đến và bóp cổ cho họ chết hẳn. Để qua mặt cảnh sát, Sonam đã uống vài viên thuốc ngủ và đi vào phòng tắm như thể mình cũng là nạn nhân của một tội ác man rợ.
Những người có mặt tại phiên tòa xét xử tháng 9/2009 không ai có thể tưởng tượng nổi những gì một cô bé 19 tuổi có thể làm với người thân của mình.
Trước tòa, Sonam nói rằng tất cả đều xuất phát từ tình yêu không được chấp thuận của mình. Theo đó, Sonam Daggar và Naveen Kumar yêu nhau trong khi đang học tại một trường cao đẳng ở Rohtak. “Chúng tôi không thể sống thiếu nhau”, Sonam nói.
Tuy nhiên, mối quan hệ của họ không được ủng hộ vì hôn nhân trong cùng bộ tộc là không được phép ở Haryana. Những người vi phạm luật lệ này đều bị giết chết để bảo vệ danh dự của gia đình.
Để kiểm soát con gái, họ còn bắt cô phải nghỉ học. Dù vậy, hai người vẫn lén lút qua lại. Mỗi lần bị bắt gặp, Sonam đều bị gia đình đánh đập, nhốt và bỏ đói nhiều ngày. Thậm chí, cô còn bị dọa giết nếu vẫn cố tình không nghe lời. Nỗi uất hận dâng trào đã khiến thiếu nữ tuổi teen nghĩ đến việc sát hại cả gia đình. Sonam được cung cấp thuốc độc bởi người yêu.
Với hành vi không thể dung thứ, Sonam Daggar và Naveen Kumar đã bị kết án tử hình. "Tôi đã làm sai, tôi biết điều đó nhưng thật sự tôi đã không nghĩ ra được cách nào", Sonam Daggar nói lời cuối cùng.
Theo Đàm Anh/Dân Việt