Những quyết sách của Tổng thống Mỹ thứ 39 vẫn còn bị giấu kín, song các tài liệu vừa được CIA giải mật cùng với một số hồ sơ lưu trữ trong thư viện chính phủ đã hé lộ một góc nhỏ về kế hoạch ứng phó của Nhà Trắng đối với nguy cơ tận diệt.
Triều Tiên đe dọa chiến tranh hạt nhân Mỹ, bao gồm cả việc dội "bão lửa" lên Nhà Trắng, thậm chí sẽ sử dụng bom H, thứ vũ khí nguy hiểm hơn cả bom hạt nhân hay tên lửa đạn đạo nếu Washington có hành động quân sự “liều lĩnh”. Về phần mình, Mỹ vẫn không hề có dấu hiệu xuống thang. Nhóm tàu tiến công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đã tiến vào khu vực có thể vươn tầm bắn của các loại vũ khí trang bị tới Triều Tiên để sớm phối hợp với tàu ngầm hạt nhân USS Michigan trong một cuộc tập trận ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên. Theo Horacio Villegas, người tự nhận là “sứ giả của Chúa”, một cuộc chiến tranh hạt nhân kinh hoàng sẽ bùng phát đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, rơi vào ngày 13/5/2017.
|
Tổng thống Jimmy Carter (giữa) phát biểu trước Quốc hội Mỹ tháng 1/1978. |
Trong bối cảnh đó, giới quan sát đang băn khoăn liệu cơ quan đầu não Washington có sẵn kế hoạch để đối phó với
thảm họa chiến tranh hạt nhân nếu nó xảy ra hay không. Tạp chí Foreign Policy cho rằng, dựa trên những tài liệu vừa được Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giải mật, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không “bỡ ngỡ” nhờ một kế hoạch nhìn xa trông rộng từ thời người tiền nhiệm Jimmy Carter, mang tên Chỉ thị số 59 (PD59).
Lúc ông Carter nhậm chức vào tháng 1/1977, Liên Xô rục rịch chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân với các chương trình đầu tư đắt đỏ: xây dựng hàng trăm (có thể là hàng ngàn) boong-ke dưới lòng đất và duy trì sự liên tục của chính phủ. Không ngoại lệ, Tổng thống Carter và đội ngũ cố vấn cấp cao đã thể hiện mối quan tâm với cuộc chiến kinh khủng nhất này cũng như tìm ra cách làm thế nào để chính phủ Mỹ sống sót.
Những quyết sách của Tổng thống Mỹ thứ 39 vẫn còn bị giấu kín, song các tài liệu vừa được CIA giải mật cùng với một số hồ sơ lưu trữ trong thư viện chính phủ đã hé lộ một góc nhỏ về kế hoạch ứng phó của Nhà Trắng đối với nguy cơ tận diệt. Ông Carter không chỉ quan tâm tới việc sống sót mà còn sâu rộng hơn thế. Cụ thể, nếu nhiệm kỳ tổng thống đó có thể tồn tại sau một cuộc chiến tranh hạt nhân, thì nhiệm kỳ đó sẽ diễn ra thế nào sau cuộc chiến? Vai trò của tổng thống được công nhận ra sao? Ai là người công nhận? Nhân vật này sẽ làm cách nào để hoàn thành ba chức năng chính của nhiệm kỳ tổng thống: người điều hành chính phủ, người đứng đầu nhà nước và tổng tư lệnh quân đội?
Toàn bộ câu hỏi trên đã được Tổng thống Carter trả lời trong PD59 do ông chấp bút ký ngày 25/7/1980, ít tháng trước khi mãn nhiệm. Nội dung của chỉ thị cho biết cách chính phủ được duy trì trong tình huống tấn công hạt nhân vẫn còn hiệu lực dưới thời của Tổng thống Trump hiện nay.
Các chiến lược trị giá hàng tỷ USD dành cho ngày tận thế này là ý tưởng của một người tên Ray Derby – chuyên gia phản ứng thảm họa và chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp. Tại châu Âu, Derby làm việc cho khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm dựng những tình huống diễn tập sơ tán cho các binh đoàn không tham gia chiến đấu. Ông lãnh đạo các công việc của chính phủ để chuẩn bị cho mối đe dọa tấn công hạt nhân, hóa học và sinh học. Hàng loạt căn cứ hạt nhân trên khắp nước Mỹ cũng nhờ Derby lên kế hoạch phòng vệ.
|
Mô hình quốc phòng dân sự trong cuốn cẩm nang “Sống sót trong tấn công nguyên tử” được chính phủ Mỹ phát hành năm 1950. |
Trong thời gian ông Carter làm chủ Nhà Trắng, kế hoạch đề phòng tấn công hạt nhân được đặt tên là Kế hoạch Khẩn cấp Liên bang D, yêu cầu mọi cơ quan chính phủ phải lên thiết kế, phát triển và xây dựng một cơ sở ngầm riêng biệt. Theo Foreign Policy, chỉ thị trên nhằm đảm bảo trong tình huống khẩn cấp, các cơ quan vẫn có thể hoạt động từ dưới hầm trú. Tuy nhiên, đa số cơ quan đã không thực hiện nghiêm túc điều này bởi nhân viên của họ không rõ bản thân có nằm trong diện được ưu tiên sơ tán hay không. Để buộc họ chấp hành nghiêm túc hơn thì có nghĩa quân đội phải can dự vào, song giới chức quân sự và chính trị gia không hề muốn để lộ kế hoạch này nên họ phải bày kế trong bí mật.
Kế hoạch của Ray Derby có kịch bản như sau: Ngay lúc “quả bom” được phóng đi, Tổng tham mưu trưởng lực lượng liên quân sẽ ra lệnh cho 60 quan chức cấp cao tới một căn cứ đặc biệt nằm trong lòng núi Weather ở Berryville, bang Virginia. Ngoài ra, còn có các điểm trú ẩn khác gần Hagerstown ở Maryland và Martinsburg ở Tây Virginia. Đội ngũ nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ được đưa tới một căn cứ thủy quân lục chiến ở Quantico, Virginia. Bộ Ngoại giao thì sơ tán tới thị trấn Front Royal. Các cơ quan còn lại sẽ ẩn nấp trong các trường học nằm trong hoặc gần khu vực ga tàu điện ngầm ở thủ đô Washington, D.C.
Thế nhưng, có điểm hẹn gặp trong trường hợp khẩn mới chỉ là một nửa của trận chiến. Quân đội Mỹ không có đủ trực thẳng để sơ tán 1/3 quan chức và nhân viên chính phủ. Mọi người đều được bố trí một phương án khác để tới được núi Weather. Tuy nhiên, đa số lãnh đạo lại chế nhạo ý tưởng chiến tranh nguyên tử sẽ xảy ra và thậm chí nó có xảy ra thì kẻ địch cũng biết rõ về ngọn núi Weather. Họ cho rằng đất đai quanh khu vực này đã bị tình báo nước ngoài mua để giám sát tình hình.
Foreing Policy đánh giá ông Carter là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ thời ông John Kennedy nhìn nhận vấn đề phòng vệ dân sự một cách nghiêm túc. Ngân sách dành cho chiến dịch này đã được bổ sung cũng như một chính sách mới đã được phát triển. Mục tiêu chính phủ Mỹ muốn đạt tới là phải đảm bảo 80% dân số sống sót sau một vụ tấn công hạt nhân mà chỉ đầu tư chưa tới 250 triệu USD mỗi năm. Đó cũng chính là nguyên do dẫn đến sự ra đời của Cơ quan Liên bang Đặc trách Tình huống Khẩn cấp (FEMA).
FEMA chịu trách nhiệm chất đầy nhu yếu phẩm vào hệ thống boong-ke và đảm bảo rằng một chính phủ đang hoạt động có thể tiếp tục điều hành. Cùng lúc đó, Nhà Trắng có nhiệm vụ đảm bảo sẵn sàng những cơ chế cho một người kế nhiệm tổng thống để lãnh đạo quân đội trong thời gian và sau khi quả tên lửa hạt nhân giáng xuống lãnh thổ Mỹ. Cơ quân Mật vụ cũng lập ra kế hoạch riêng để đưa tổng thống thoát khỏi Nhà Trắng hoặc bảo vệ cho người kế nhiệm trong tình huống tổng thống bị sát hại.
Nhà Trắng đã yêu cầu Lầu Năm Góc phải trao đổi thông tin hàng ngày với tổng thống trú ẩn trong núi Weather. Theo Nhà Trắng, nếu để xảy ra sự cố “không phối hợp” giữa các căn cứ sẽ làm chúng giảm đi tính bảo vệ và những người sống sót có khả năng không cầm cự được lâu cũng như trở thành mục tiêu bị tấn công. Ngoài ra, chỉ thị PD-59 còn cho phép sử dụng tình báo công nghệ cao để tìm kiếm mục tiêu vũ khí hạt nhân trong tình trạng chiến trường rồi tấn công chúng.
Toàn bộ chiến lược tuyệt mật đã được giấu kín đến nỗi ngay cả Ngoại trưởng Edmund Muskie khi đó cũng không hề hay biết cho tới khi ông đọc thông tin trên báo chí.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin Tức