Các phụ tá của ông Mattis mô tả cuộc gặp giữa ông chủ Lầu Năm Góc và Chủ tịch Tập Cận Bình là tích cực và mang tính xây dựng, với nội dung tập trung vào nỗ lực mở rộng quan hệ quân sự giữa 2 nước.
Hai bên đã bàn về một loạt vấn đề, từ nỗi lo của Bắc Kinh về mối quan hệ giữa Washington và Đài Loan cho đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nỗ lực hòa đàm ở Afghanistan.
Tuy nhiên, bất đồng lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc về chuyện Bắc Kinh quân sự hóa phi pháp biển Đông tiếp tục là cái gai trong quan hệ hai nước.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Kyodo |
Phía Trung Quốc tiếp tục bao biện rằng hành động xây đảo nhân tạo ở biển Đông, cùng với động thái xây các cơ sở quân sự và đưa vũ khí đến đó chỉ phục vụ mục đích phòng vệ. Trong khi đó, ông Mattis nhấn mạnh lập trường của Mỹ, theo đó Washington ủng hộ quyền tự do đi lại trên biển và Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Riêng tại buổi tiếp Bộ trưởng Mattis, ông Tập lập lại tuyên bố Trung Quốc sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình nhưng "không thỏa hiệp về vấn đề lãnh thổ" - theo truyền thông nước chủ nhà.
Nhà lãnh đạo này nói thêm rằng Thái Bình Dương đủ rộng lớn để có chỗ cho cả Mỹ, Trung Quốc và những nước khác.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa ra tuyên bố cho biết ông đã nói với ông Mattis rằng hai nước chỉ có thể đạt được sự phát triển chung nếu tránh xung đột và đối đầu, cũng như thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Theo ông Ngụy, quân đội hai nước nên kiểm soát rủi ro trong lúc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác.
Dù vậy, một quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận hai bên vẫn còn khoảng cách lớn về vấn đề biển Đông và "đồng ý tiếp tục thảo luận".
|
Ông James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa. Ảnh: Reuters |
Chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của ông Mattis trong cương vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ diễn ra vài tuần sau khi Lầu Năm Góc rút lời mời Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương - vừa khai mạc hôm 27-6.
Động thái cứng rắn trên cho thấy sự quan ngại ngày càng tăng của Washington trước hành động leo thang khiêu khích của Bắc Kinh ở biển Đông. Giới chức Trung Quốc đã bày tỏ sự thất vọng về quyết định này tại cuộc gặp ông Mattis ở Bắc Kinh.
Trước đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore đầu tháng này, ông Mattis công khai chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc vì ngang nhiên quân sự hóa biển Đông.
Theo P.Võ/Người Lao Động