Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra, nguy cơ gây bất ổn xã hội Mỹ, buộc Tổng thống Biden phải theo dõi sát tình hình. Trong khi đó, đàm phán về ngừng bắn vẫn bế tắc.
Trước áp lực lớn từ dư luận, Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas; đồng thời muốn đồng minh Israel thận trọng hơn khi tiến hành một cuộc đổ bộ vào khu vực Rafah – vốn đang có hơn một nửa dân số Gaza sinh sống và tạm trú.
Trong khuôn viên trường Đại học California tại Los Angeles, nhóm người ủng hộ Israel hôm qua bất ngờ tấn công khu lều trại của sinh viên biểu tình ủng hộ Palestine, làm gia tăng căng thẳng. Thị trưởng Los Angeles, Thống đốc California và hiệu trưởng trường Đại học đã quyết định mở một cuộc điều tra và sẵn sàng ra quyết định thôi học đối với những người liên quan.
Tại New York, cảnh sát cũng được huy động để bắt giữ người biểu tình ủng hộ Palestine khi một nhóm người tấn công và chiếm giữ một tòa nhà của trường Đại học Columbia.
Trên khắp nước Mỹ, sinh viên của hàng chục trường Đại học đã và đang biểu tình tại khuôn viên trường để phản đối các hành động quân sự “vượt quá quyền tự vệ” của Israel ở Gaza.
Trước xu hướng biểu tình lan rộng, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang đặc biệt lưu ý. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean Pierre cho biết: “Tổng thống đang được cập nhật thường xuyên về những gì đang xảy ra trên khắp đất nước. Ông ấy đang theo dõi tình hình chặt chẽ. Tôi muốn nói rõ rằng, người Mỹ có quyền biểu tình một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp. Việc chiếm quyền kiểm soát trường học không phải là hòa bình. Các sinh viên có quyền học tập, có quyền được bảo vệ và việc học không bị gián đoạn. Những gì đang xảy ra nằm ở một nhóm sinh viên. Họ không thể làm xáo trộn hoặc gián đoạn việc học tập của sinh viên khác”.
Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống tiềm năng của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử cuối năm cũng đã phải lên tiếng ủng hộ việc cảnh sát duy trì an ninh cho các trường học.
Từ hiệu ứng nước Mỹ, sinh viên tại Anh cũng bắt đầu xuống đường ủng hộ người dân Palestine. Hôm qua, nhiều lều trại đã được dựng lên trong khuôn viên trường Đại học Newcastle, treo cờ Palestine và giương cao các khẩu hiệu phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza.
Cũng phản đối Israel, Tổng thống Colombia Gustavo Petro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel từ hôm nay: “Tôi xin thông báo một sự thay đổi của chính phủ, rằng từ nay, mối quan hệ ngoại giao với nhà nước Israel sẽ bị cắt đứt, vì họ có một chính phủ đang hủy diệt một dân tộc khác trước mắt chính ta, trước sự thụ động của chúng ta”.
Trước sức ép từ dư luận trong nước, quốc tế và Liên Hợp Quốc, Mỹ đang cố gắng thúc đẩy lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas. Hôm qua, đích thân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp các gia đình con tin ở Israel, hối thúc giới chức Israel mở rộng cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza với việc mở thêm của khẩu Erez.
Ngoài ra, trọng tâm của chuyến thăm Trung Đông lần này, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định sẽ không hỗ trợ Israel nếu tiến hành chiến dịch đổ bộ vào Rafah mà không có sự chuẩn bị về nhân đạo: “Về Rafah, hãy nhìn xem, quan điểm của Mỹ rất rõ ràng. Nó không và sẽ không thay đổi. Chúng tôi không thể hỗ trợ một chiến dịch quân sự lớn ở Rafah nếu thiếu một kế hoạch hiệu quả để đảm bảo rằng dân thường không bị tổn hại. Trên thực tế, chúng tôi cũng chưa thấy một kế hoạch như vậy.”
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng, để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, Hamas phải hành động ngay vì bóng đang bên phía sân của Hamas. Tuy nhiên, thủ lĩnh cấp cao nhóm vũ trang Palestine hôm qua cáo buộc Mỹ đang tìm cách đổ lỗi cho lực lượng này, vì thực tế Israel vẫn đang quyết tâm mở rộng tấn công dù có hay không thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin.
Theo Đình Nam/VOV1