Trong phiên thảo luận sáng 2/6 tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 18, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch có bài phát biểu với chủ đề “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh". Đây là vấn đề được các đại biểu hết sức quan tâm bởi chủ đề này giải đáp việc làm thế nào để tạo ra một bầu không khí hòa bình với tinh thần đối tác và với tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong việc giải quyết tranh chấp.
|
Đại tướng Ngô Xuân lịch phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019. Ảnh: Thu Trang/Quân đội Nhân dân. |
Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, đây là vấn đề vừa mang tính thời sự cấp thiết vừa mang tính cơ bản lâu dài nhằm tìm kiếm các giải pháp thu hẹp khác biệt, giảm thiểu nguy cơ xung đột, duy trì môi trường hòa bình ổn định để Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển thịnh vượng như nguyện vọng của tất cả các nước.
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh an ninh thế giới và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, hòa bình hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Tuy nhiên, các nước vẫn phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp, trong đó có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước nhất là các nước lớn.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng nêu rõ, cạnh tranh là sự tồn tại khách quan, là động lực cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cạnh tranh với mục đích khuất phục nhau, cuối cùng giành giật lợi ích của nhau, bao vây kiềm chế nhau sẽ dẫn đến căng thẳng, đối đầu, thậm chí là xung đột và chiến tranh.
Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ không thể coi thường trong thế giới toàn cầu liên kết ngày càng chặt chẽ, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng, nếu xung đột xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn tác động đến cả khu vực và thế giới.
“Vấn đề quan trọng là cách thức xử lý cạnh tranh. Dù có khác biệt về lợi ích nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết thì chúng ta có thể hợp tác, tìm cách tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lý tranh chấp. Ngược lại nếu áp đặt, sử dụng vũ khí vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết thì càng làm mâu thuẫn tranh chấp gia tăng kéo dài dẫn đến xung đột”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 18 (Ảnh: TTXVN) |
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, các bên cần phải cùng nhau quản lý bất ổn, ngăn ngừa xử lý các vấn đề cạnh tranh có liên quan dẫn đến xung đột, chiến tranh. Muốn vậy, các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích chính đáng của một quốc gia, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, xây dựng lòng tin, từng bước giải quyết mâu thuẫn tranh chấp.
Đây là quá trình lâu dài và cần sự chung tay, hành động của mọi quốc gia chứ không thể thụ động chờ đợi.
Trước các thách thức an ninh phức tạp thì việc ứng xử và hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng. Sự không nhất quán thiếu trách nhiệm của các nước lớn đều gây ra hoài nghi, thậm chí là gây bất ổn cho các nước vừa và nhỏ thay vì làm dịu tình hình thì lại thổi bùng khác biệt, mâu thuẫn thành điểm nóng, dẫn đến xung đột. Vì vậy, theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, các nước lớn cần gánh vác trách nhiệm cao hơn trong các nỗ lực chung của khu vực, hành xử gương mẫu trong quan hệ quốc tế, ngồi lại với nhau đối thoại để cùng tìm giải pháp hòa bình, giải quyết tranh chấp bất đồng là hành động tích cực cần được ủng hộ và cổ vũ.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, Việt Nam đã từng trải qua chiến tranh để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do nên thấu hiểu được giá trị của hòa bình.
“Việt Nam luôn khát vọng sống trong hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển thịnh vượng. Mục tiêu quốc phòng Việt Nam là bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ nền hòa bình của đất nước, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định an ninh của khu vực và thế giới. Những nội dung đó là định hướng để giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình với tinh thần đối tác vì trách nhiệm cộng đồng”.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, đồng thời cho biết, những năm vừa qua cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế, Việt Nam xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác tham gia các diễn đàn đa phương tổ chức thành công hội nghị APEC hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động tích cực đóng góp cho các cơ chế hợp tác đa phương thúc đẩy hòa bình cho giải ngăn ngừa xung đột. Đó là mục đích và trách nhiệm của Việt Nam khi đảm nhiệm chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Điều này thể hiện trong chính sách đối ngoại Việt Nam, một trong những văn kiện quan trọng là sách trắng quốc phòng.
Việt Nam tiếp tục khẳng định tính chất cơ bản của nền quốc phòng hòa bình, tự vệ, nêu rõ những thách thức quốc phòng, an ninh, những điều chỉnh chiến lược, cơ chế lãnh đạo quản lý quốc phòng, tổ chức quân đội, xây dựng tiềm lực, đồng thời minh bạch chính sách và khả năng quốc phòng Việt Nam.
Nói về khu vực Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, Biển Đông là một trong những khu vực chứa được đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao, tiềm ẩn nguy cơ xung đột chính trị. Biển Đông có tiềm năng to lớn về nhiều mặt, nhiều quốc gia có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, nếu các nước cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, Việt Nam đánh giá cao những tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông COC. Việc sớm xây dựng một COC thực chất, ràng buộc hiệu quả sẽ góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang ở giai đoạn chuyển mình trong thế giới đầy biến động nhiều nhưng vận hội và tiềm năng rất lớn trách nhiệm đặt lên vai mỗi nước. Chính vì vậy, hòa bình ổn định hợp tác phát triển thịnh vượng hay không phụ thuộc vào nhiều rất nhiều và hành động của các nước, trong đó có vấn đề ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực cạnh tranh.
“Tôi lạc quan rằng, với trách nhiệm trước cộng đồng, sự thiện chí và thực tâm của tất cả chúng ta nhằm tăng cường đối thoại, hợp tác, giải quyết bất đồng khác biệt bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế thì những sóng gió, những khác biệt đang tồn tại không thể ngăn cản được bước tiến, hướng tới mục tiêu cao cả là hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mỗi quốc gia và khu vực”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định.
Theo Vũ Anh TuấnVOV