Trong thế kỷ 20, rất nhiều chiến dịch tình báo mật của phương Tây nhằm vào Liên Xô đã bị vô hiệu hóa. Công việc của các điệp viên nhị trùng làm việc cho Liên Xô đóng vai trò lớn trong các chiến dịch phản gián của họ. Dưới đây là 3 trong số các điệp viên hiệu quả nhất của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
1. Kim Philby - cán bộ tình báo Anh yêu Liên Xô
Philby, thành viên nổi tiếng của nhóm gián điệp Liên Xô Cambridge Five ở Anh, được trao những phần thưởng cao quý nhất của cả Anh và Liên Xô. Năm 1945, với những thành tích trong Thế chiến 2, ông được thưởng Huân chương Đế chế Anh từ Nữ hoàng Elizabeth II. Năm 1947, khi Chiến tranh Lạnh đến gần, lãnh tụ Liên Xô Stalin đã trao cho ông Huân chương Cờ Đỏ.
|
Điệp viên nổi tiếng Kim Philby. Ảnh: Getty. |
Philby bắt đầu hợp tác với cơ quan mật vụ Liên Xô vào thập niên 1930 sau khi tốt nghiệp trường đại học Cambridge. Cũng tầm đó, Philby bắt đầu làm việc cho tình báo Anh. Ông thăng tiến nhanh chóng và sau Thế chiến 2, người ta cho rằng ông đã được quy hoạch vào vị trí người đứng đầu cơ quan tình báo Anh Quốc. Mặc dù điều đó chưa bao giờ xảy ra, Philby đã giữ nhiều chức vụ quan trọng giúp ông có điều kiện cung cấp cho Liên Xô những thông tin có giá trị.
Khi được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận tình báo Anh đặc trách về Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1947, Philby bảo đảm cho Moscow nắm rõ các gián điệp đang cố gắng xâm nhập biên giới phía nam của Liên Xô. Vào thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nơi chính mà hoạt động mật này được lên kế hoạch. Kết quả là, nhóm các gián điệp xâm nhập đó đã bị binh sĩ Liên Xô bắn chết ngay tại biên giới. Theo một sử gia Nga chuyên nghiên cứu về cơ quan mật vụ, sự việc trên là tín hiệu rõ ràng để phương Tây từ bỏ chiến thuật xâm nhập kiểu đó.
Sau đó, vào năm 1949, Philby trở thành trưởng đại diện tình báo của Anh ở Washington, Mỹ. Với vị trí này, Philby được quyền tiếp cận các thông tin của CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) về kế hoạch đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo Albania Enver Hoxha thân Liên Xô. Sau khi thông tin mật được tuồn cho Moscow thì lực lượng đặc nhiệm Albania tham gia đảo chính đã bị bắn chết khi họ vừa nhảy dù chạm đất. Hoxha tiếp tục tại vị.
Philby đào tẩu sang Liên Xô vào năm 1963 khi ông đứng trước nguy cơ bị bại lộ. Sau đó, ông sống ở Liên Xô trong một phần tư thế kỷ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Times vào cuối thập niên 1980, Philby tâm sự chân thật như thế này: Dù cuộc sống ở Liên Xô khi đó có nhiều khó khăn, ông gắn bó với đất nước này và không có nơi nào khác mà ông muốn đến sống cả.
2. George Blake - điệp viên người Anh coi Nga là quê hương thứ 2
Nếu Philby dành một phần tư thế kỷ sống ở Liên Xô, thì một điệp viên nhị trùng khác đến từ nước Anh, là George Blake, đã sống ở Nga trong hơn 50 năm sau khi trốn khỏi một nhà tù ở Anh.
|
Điệp viên Blake tin theo chủ nghĩa xã hội và Liên Xô. Ảnh: Getty. |
Vào dịp sinh nhật thứ 95 của mình, ông lý giải vì sao hồi thập niên 1950 ông lại thay đổi lý tưởng phụng sự của mình. Ông cho biết, những gì diễn ra trong Chiến tranh Triều Tiên đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi quan điểm của ông. Lúc đó ông đã chứng kiến nhiều dân thường bị “cỗ máy quân sự của Mỹ” giết chết.
Blake viết trong 1 lá thư gửi cơ quan tình báo Nga ngày nay: “Chính lúc đó tôi nhận ra rằng các xung đột như thế đầy rẫy các mối hiểm nguy chết người cho toàn thể nhân loại. Và tôi đã có lựa chọn quan trọng nhất trong đời mình. Tôi bắt đầu hợp tác với tình báo đối ngoại Liên Xô một cách chủ động và không cần đền bù, với mục đích bảo vệ nền hòa bình thế giới”.
Blake được tuyển dụng vào cơ quan tình báo đối ngoại Anh (MI6) trong Thế chiến 2. Khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, ông quay trở lại London. Thời gian này, ông đã thông báo cho Liên Xô về kế hoạch của CIA và MI6 đào đường hầm từ Tây Berlin sang Đông Berlin để nghe lén đường liên lạc đi trên mặt đất của tổng hành dinh quân đội Liên Xô tại Đông Đức. Kế hoạch mang mật danh Gold hoặc Stopwatch.
Mặc dù khó khăn, đường hầm vẫn được đào và được trang bị các thiết bị nghe lén cần thiết. Moscow không lật tẩy đường hầm này ngay, nhằm tránh gây lộ cho Blake. Phía Liên Xô chỉ chủ động “phát hiện” ra đường hầm vào thời điểm 11 tháng sau khi việc nghe lén bắt đầu diễn ra, lúc Blake đã được cử làm một nhiệm vụ mới trong MI6. Vụ bê bối bùng lên từ phát hiện này đã làm hoen ố danh tiếng của CIA.
Năm 1961, Blake bị một sĩ quan tình báo Ba Lan (thuộc khối XHCN) phản bội. Hậu quả, Blake bị kết án 42 năm tù ở Anh. Bốn năm sau, ông vượt ngục thành công, sử dụng một thang dây và kim đan để trốn thoát. Cuối cùng ông tới được Moscow, nơi ông sống suốt từ đó đến cuối đời. Trong lá thư của mình, ông viết rằng “Nước Nga đã trở thành Tổ quốc thứ 2 của tôi...”.
3. Aldrich Ames - người Mỹ khiến Giám đốc CIA mất chức
Mặc dù các đại diện của các cơ quan tình báo Mỹ có phần trách cứ đồng nghiệp Anh vì đã không phanh phui được các gián điệp hàng đầu của Liên Xô trước đây, bản thân họ cũng dính vào một scandal gián điệp khiến danh tiếng CIA suy giảm và giám đốc CIA khi đó mất chức.
Tất cả bắt đầu vào giữa thập niên 1980 khi trưởng bộ phận của CIA phụ trách về phản gián Liên Xô, Aldrich Ames, bắt đầu hợp tác với Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô ( tức KGB – cơ quan an ninh và tình báo của Liên Xô). Việc hợp tác kéo dài gần 10 năm cho tới khi ông bị bắt vào năm 1994. Người ta cho rằng Ames đã làm bại lộ hơn 100 chiến dịch tình báo của CIA và giúp bóc gỡ nhiều nội gián bên trong Liên Xô và sau này là Nga. Trong số các gián điệp này, một số đã bị giới chức hành quyết vì tội gián điệp.
Ames thừa nhận tại tòa rằng ông đã làm lộ tẩy “gần như tất cả điệp viên của CIA hoạt động tại Liên Xô, cũng như các điệp viên làm việc cho các cơ quan tình báo Mỹ khác và các nước khác” mà ông biết.
Người ta nói rằng Moscow sử dụng Ames trong nhiều năm để cấy các thông tin giả vào các báo cáo của CIA trình lên 3 đời tổng thống Mỹ.
Người ta tin rằng CIA tình cờ phát hiện ra hoạt động gián điệp hai mang của Ames dựa vào sự gia tăng đột ngột mức sống của ông, như ngôi nhà nửa triệu USD và chiếc xe hơi Jaguar sang trọng của ông.
Ames bị kết án chung thân. Vụ Ames đã gây ra cơn địa chấn ở Quốc hội Mỹ và dẫn tới việc Giám đốc CIA James Woolsey phải từ chức.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN