Tại Trung Quốc, đất nước có đa dạng cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục, hàng nghìn công trình kiến trúc ấn tượng được xây dựng ở khắp các khu thắng cảnh, thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.
Những năm gần đây, các công trình cầu kính nở rộ ở Trung Quốc như một phong trào cạnh tranh ở các địa phương. Khoảng 2.300 công trình cầu, lối đi và đài quan sát kính được xây dựng trên khắp cả nước.
|
Trung Quốc có khoảng 2.300 lối đi, đài quan sát và cầu có đáy làm bằng kính. Ảnh: Getty Images. |
Với công nghệ xây cầu trình độ cao, đất nước này sở hữu rất nhiều cây cầu hoành tráng, mang tầm cỡ thế giới cả về quy mô và tính độc đáo, sáng tạo. Bên cạnh đó, hàng trăm cầu kính được xây dựng một cách “thần tốc” để nhanh chóng ra mắt, thu hút khách tới điểm du lịch, mà không chú trọng vào đảm bảo quy chuẩn an toàn.
Tuy nhiên, giai đoạn vàng trong việc phát triển công trình đáy kính ở đất nước tỷ dân có lẽ sắp đến hồi kết thúc khi hàng loạt cầu kính không đảm bảo an toàn phải đóng cửa trong hơn một năm trở lại đây. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quyết định ngừng hoạt động các điểm này chính là loạt tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Ngày 5/6, tại khu danh lam thắng cảnh Phật Tử Lĩnh ở tỉnh Quảng Tây, lối đi bằng kính trơn trượt sau mưa khiến một người đàn ông đâm vào lan can khi đi xuống và ngã sang bên cạnh, 6 người khác cũng bị kéo ngã theo dây chuyền. Người đàn ông chết vì chấn thương nghiêm trọng ở đầu, trong khi 6 người còn lại bị thương. Vụ việc tạo làn sóng phản đối trong dư luận. Những quan chức trong ngành đã phải kêu gọi các bộ phận quy định rõ ràng thông số kỹ thuật và yêu cầu giám sát, bảo trì cầu kính hàng ngày.
Trước đó, hàng loạt vụ việc nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. Năm 2017, một người tử vong và 3 người bị thương trong vụ tai nạn trên máng trượt kính tại khu danh lam thắng cảnh Mộc Lan Thắng Thiên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Công trình này là dự án giải trí đường trượt kính trên núi đầu tiên ở Trung Quốc được đầu tư hơn 55 triệu USD để xây dựng vào năm 2016.
Cầu kính nổi tiếng thế giới ở công viên địa chất Trương Gia Giới tỉnh Hồ Nam (điểm hút khách bậc nhất Trung Quốc) cũng không tránh khỏi tai nạn. Một du khách bị gãy chân do đá rơi khi đi bộ trên cây cầu kính cao nhất thế giới này.
Công trình cũng trải qua việc ngừng hoạt động sớm (ngay sau khi mở cửa chỉ 13 ngày) để khẩn trương nâng cấp khả năng chịu trọng lượng lớn. Theo thông số kỹ thuật khi xây dựng, cây cầu có khả năng chứa 8.000 du khách mỗi ngày nhưng nhu cầu tham quan thực tế vượt gấp 10 lần.
Chiến dịch công khai lớn để chứng minh sự an toàn của cầu kính Trương Gia Giới nâng cấp diễn ra với việc khuyến khích du khách thử đập vỡ các tấm kính bằng búa tạ hay lái xe qua cầu.
Sự việc đầu tiên dấy lên lo ngại về chất lượng của các công trình dạng này xảy ra tại lối đi bằng kính trong suốt men theo sườn núi Vân Đài, tỉnh Hà Nam vào năm 2015. Vào thời gian đầu khai trương, khách du lịch dễ dàng gây ra vết nứt cho những tấm kính và cây cầu phải đóng cửa để sửa chữa ngay sau đó.
Theo Uyên Hoàng/Zing