Cách gia đình 4 thế hệ người Singapore giữ “hồn Tết“

Google News

Với một số gia đình trẻ, việc xuất ngoại dịp năm mới là mốt, song với gia đình Low, Tết là thời điểm đoàn tụ gia đình. Các thành viên trong gia đình lần lượt tới thăm bà Tan, sống cùng một người giúp việc trong căn hộ 3 phòng ở Whampoa.

Bà Tan Kim Yoke, 88 tuổi, đang đợi được ăn bát mỳ trường sinh nóng hổi của Tết năm nay. Trong ít nhất là 60 năm qua, gia đình bà luôn duy trì truyền thống riêng của gia đình, đó là ăn mỳ bột mặn (còn gọi là mee sua) vào ngày mùng 1 Tết hàng năm.
Năm nay, mùng 1 Tết rơi vào ngày 16/2.
 
"Với tôi, điều quan trọng là lưu giữ truyền thống này từ thế hệ này sang thế hệ khác", Madam Tan nói. "Tôi chắc rằng con cháu sẽ vẫn làm như vậy sau khi tôi qua đời", StraitsTimes dẫn lời cụ bà này cho hay.
Thông thường, bà Tan thường chịu trách nhiệm nấu món mỳ trường sinh. Tuy nhiên, cách đây 30 năm và cho tới giờ, con gái thứ hai của bà là Dora Low đã đảm nhiệm vai trò thay mẹ. "Chúng tôi dùng mỳ với trứng luộc. Mẹ thường nói với tôi rằng lột vỏ trứng cũng giống như vứt bỏ mọi điều không may và chỉ có những gì tốt đẹp được giữ lại", bà Low, hiện đã về hưu kể.
Tuy nhiên, món mỳ bà Low nấu khác với mẹ bà ở một điểm. Đó là bà dùng thịt gà thay cho dạ dày lợn, vì dạ dày lợn khó rửa.
Với Adeline Low, 36 tuổi, cháu bà Tan, hương vị cũ luôn là điều cô nhớ nhất. "Tôi gọi đó là "hương vị của bà". Không rõ tại sao, nó luôn khiến tôi thấy thoải mái và gợi nhớ ký ức xưa. Chỉ có bà mới biết cách làm sạch khiến dạ dày lợn không còn mùi khó chịu".
Bà Tan có 7 người con, 12 cháu và 8 chắt, đứa nhỏ nhất năm nay 3 tuổi. Gia đình bà lưu giữ nhiều tập tục năm mới từ thế hệ này sang thế hệ khác, đôi khi lại tạo phiên bản mới.
"Điều đó không dễ dàng vì mọi thứ hiện giờ khác nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn lũ trẻ hiểu và hiểu rõ ý nghĩa của một số thứ nhất định", Adeline Low, có hai con gái 3 tuổi và 5 tuổi, nói.
Có một truyền thống mà gia đình Low vẫn đang duy trì, với đôi chút cải tiến, đó là mặc quần áo mới để đón năm mới.
Trước đây, bà Tan thường may quần áo mới cho chồng và con bằng chiếc máy khâu Singer, Dora - con gái bà Tan nhắc lại. "Mẹ thường dùng một loại vải nhưng may các kiểu khác nhau cho từng người. Những chiếc váy mẹ may dường như chỉ để dành cho các bữa tiệc".
Hiện, gia đình Low vẫn duy trì truyền thống này, nhưng hầu hết trang phục mới được mua ngoài cửa hàng chứ không tự may.
Adeline Low kể, khi còn bé, cô luôn mong chờ Tết vì lúc đó sẽ được mặc quần áo mới thay vì dùng đồ cũ được thừa hưởng. Tuy nhiên, con cái cô hiện giờ không có niềm vui tương tự từ quần áo mới như mẹ chúng.
"Mẹ chồng tôi mua cho các cháu quần áo mới gần như mỗi ngày nên chúng không còn thích thú nữa". Tuy nhiên, Adeline Low cho hay, năm nay cả gia đình sẽ mặc màu đỏ dịp năm mới. "Đó là cách tôn trọng người lớn tuổi, vốn tin rằng quần áo sáng màu là may mắn".
Với một số gia đình trẻ, việc xuất ngoại dịp năm mới là mốt, song với gia đình Low, Tết là thời điểm đoàn tụ gia đình. Các thành viên trong gia đình lần lượt tới thăm bà Tan, sống cùng một người giúp việc trong căn hộ 3 phòng ở Whampoa. Các cuộc thăm viếng diễn ra mỗi ngày trong suốt 15 ngày đầu của Tết.
Theo Hoài Linh/VNN