Tại Ludwigshafen (Đức), Công ty hóa chất BASF có khoảng 200 nhà máy, tạo thành khu liên hợp sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới.
Với việc nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang Đức đang bị cắt giảm, các nhà lãnh đạo của BASF đang nghĩ đến tình cảnh khu liên hợp này phải dừng hoạt động.
Theo trang tin 163.com của Trung Quốc, do BASF và các công ty hóa chất khác nằm ở điểm đầu của hầu hết các chuỗi cung ứng công nghiệp, tác động được cho là sẽ mở rộng ra ngoài ngành hóa chất, thậm chí đe dọa cả nền kinh tế châu Âu vào thời điểm lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại.
Dữ liệu nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội Công nghiệp Bavaria (VBW) cho thấy, nếu Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt sang Đức, các ngành sản xuất thủy tinh, thép, hóa chất, gốm sứ, thực phẩm và dệt may sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chính phủ Đức đã tuyên bố, kế hoạch khẩn cấp về việc cung cấp khí đốt tự nhiên đang ở "mức báo động" do Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt sang Đức.
Trang 163.com cũng thông tin, các công ty hóa chất như BASF dễ bị tổn thương hơn các công ty công nghiệp khác vì khí đốt tự nhiên cần thiết cho hầu hết các quy trình sản xuất của họ. Sau khi khí đốt tự nhiên được dẫn vào nhà máy của BASF, khoảng 60% được sử dụng để phát điện và tạo ra hơi nước, 40% còn lại được dùng làm nguyên liệu. Lượng khí đốt tự nhiên mà các nhà máy sản xuất amoniac và axetylen ở Ludwigshafen sử dụng chiếm 4% tổng lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ trên toàn nước Đức.
Các nhà quản lý của BASF nhận định rằng, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên vẫn đang ở mức hơn 50% nhu cầu tối đa của Ludwigshafen, do đó các nhà máy của BASF có thể tiếp tục vận hành bằng cách giảm công suất và sử dụng các nhiên liệu thay thế. Nhưng nếu nguồn cung cấp khí đốt giảm nhiều dưới mức đó trong thời gian dài, họ sẽ phải dừng sản xuất.
Được biết, tại trung tâm của khu liên hợp hóa chất Ludwigshafen có hai hệ thống lò hơi khổng lồ, một trong số đó chiếm diện tích bằng 13 sân bóng đá. Những lò hơi khổng lồ này chạy bằng khí đốt tự nhiên.
Trang tin tài chính Yicai.com của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia trong ngành năng lượng cho biết, nhiều công ty hóa chất đã vội vàng tích trữ khí đốt sau khi chứng kiến tình hình địa chính trị bất ổn. Nhưng chỉ có thể dự trữ tối đa 2-3 tháng, trong khi không thể đoán trước được tình trạng này khi nào sẽ kết thúc, tương lai vẫn là không lạc quan.
Trước đó, tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) đã tính toán rằng, nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, ngay cả khi nhập khẩu lượng khí đốt kỷ lục từ các nước khác ngoài Nga cũng sẽ không đủ để lấp đầy các kho dự trữ của châu Âu vào mùa đông tới. Châu Âu phải giảm nhu cầu ít nhất 40 tỷ kilowatt giờ, hoặc 10% đến 15% nhu cầu hàng năm.
Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Đức cho biết, ngành này tiêu thụ khí công nghiệp lớn nhất nước - cần khoảng 135 terawatt giờ khí tự nhiên mỗi năm.
Lanxess – công ty sản xuất hóa chất đặc biệt có trụ sở tại Cologne (Đức) gần đây cũng tuyên bố rằng, nếu nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn, sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến lợi nhuận cốt lõi đã điều chỉnh của công ty này là 80 triệu đến 120 triệu euro/năm, còn các tác động gián tiếp thì không thể định lượng được. Và ngay cả khi giá năng lượng vẫn ổn định, chi phí năng lượng của công ty này vào năm 2022 sẽ là 1 tỷ euro, tăng gấp đôi so với năm 2021.
Lanxess cũng cho biết, lệnh cấm vận khí đốt sẽ gây ra hậu quả "thảm khốc" đối với ngành công nghiệp hóa chất của Đức.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nga và Ukraine ký thỏa thuận mới về vận chuyển khí đốt tới Châu Âu:
Quỳnh Hương