Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters (Anh) ngày 11/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ can thiệp vào vụ việc của Bộ Tư pháp Mỹ chống lại Giám đốc Tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu nếu điều đó phục vụ an ninh quốc gia hoặc giúp đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, nếu làm điều này, ông Trump có thể gây nguy hại tới hệ thống tư pháp Mỹ, khiến công dân Mỹ ở nước ngoài gặp nguy hiểm, cũng như làm khó khăn thêm cuộc đàm phán với Trung Quốc, chưa kể đến chuyện “chọc giận” Quốc hội.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng cơ sở cho quyết định của ông là những mối quan ngại về an ninh quốc gia, và theo ông, cuộc đàm phán đang diễn ra giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc xung quanh “thỏa thuận thương mại lớn nhất từng được xây dựng” là “một chuyện rất quan trọng”.
|
Nhân viên an ninh đi kèm bà Mạnh Vãn Chu sau khi bà được tòa án ở Vancouver, Canada cho phép tại ngoại. |
Bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc đã lừa dối các tổ chức tài chính lớn của Mỹ về một công ty vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran, qua đó giúp Huawei "lách" luật. Bà bị giới chức Canada bắt giữ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ ngay khi quá cảnh tại sân bay Vancouver hôm 1/12, đúng ngày Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp song phương bàn về căng thẳng thương mại bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina.
|
Phát biểu của Tổng thống Trump về khả năng can thiệp vụ dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu đã lập tức gây phản ứng từ các nhà lập pháp và cựu quan chức chính phủ Mỹ. |
Nhận xét về tuyên bố của ông Trump, một cựu công tố viên liên bang Mỹ cho biết, Tổng thống có quyền can thiệp vào vụ việc. Tuy nhiên, việc ngăn cản các công tố viên dẫn độ bà Mạnh từ Canada về Mỹ để xét xử có thể sẽ “mở đường” cho các quốc gia khác bắt giữ công dân Mỹ để làm “đòn bẩy” cho các cuộc đàm phán kinh tế và chính trị, cũng như làm suy giảm vị thế của Mỹ khi đưa ra những yêu cầu dẫn độ khác trong tương lai.
“Tổng thống có thể tiến hành hành động đó, nhưng nó sẽ gây ra hậu quả chính trị lớn”, ông Brian Michael, cựu công tố viên liên bang, hiện làm việc cho Công ty luật King & Spalding LLP, cảnh báo.
Con đường nguy hiểm
Chuyên gia Michael cũng dự đoán, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ sẽ can thiệp bằng cách yêu cầu Bộ Ngoại giao không xúc tiến vụ dẫn độ. Bởi một khi việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu đã diễn ra, sẽ khó khăn, bất thường và rắc rối hơn nhiều để Nhà Trắng kiểm soát quá trình truy tố tại Bộ Tư pháp.
Sau phát biểu của Tổng thống Trump, nhiều quan chức chính quyền đã có những phát ngôn “chữa cháy”. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói với các phóng viên, họ “đang tính trước những hậu quả từ một quyết định tiềm tàng mà Tổng thống chưa đưa ra”.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan ngại. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen phản đối việc kết nối vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu với cuộc đàm phán thương mại của Tổng thống. “Sẽ là một con đường rất nguy hiểm nếu bỏ dở vụ việc (dẫn độ CFO Huawei), khi đó chúng ta sẽ rơi vào một thế giới nơi con người bị bắt giữ dựa trên chiến tranh thuế và thương mại thay vì dựa trên luật pháp”, ông Hollen nói.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio thì cho rằng can thiệp vào vụ Mạnh Vãn Chu sẽ là “một sai lầm khủng khiếp” với ông Trump, bởi vụ việc này không liên quan đến chính sách thương mại.
|
Bà Mạnh Vãn Chu rời nhà tại Vancouver trong sự giám sát của nhân viên an ninh Canada ngày 12/12. Ảnh: Bloomberg |
Ảnh hưởng tới phán quyết dẫn độ
Những phát ngôn của Tổng thống Trump cũng có thể là nhân tố ảnh hưởng tới thủ tục pháp lý tại Canada, nơi bà Mạnh đang đối mặt với phán quyết bị dẫn độ về Mỹ.
“Các luật sư của bà Mạnh Vãn Chu có thể sử dụng những phát ngôn của ông Trump làm bằng chứng để tranh cãi rằng, thủ tục truy tố bà đã bị chính trị hóa”, ông Robert Currie, giáo sư luật tại trường Đại học Dalhousie ở Halifax, chuyên gia về luật dẫn độ, cho biết. Theo ông, trên cơ sở đó, các luật sư của bà Mạnh có thể đề nghị Bộ Tư pháp Canada không dẫn độ thân chủ của họ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cũng thừa nhận, những bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ có thể ảnh hưởng tới vụ việc. “Các luật sư của bà Mạnh có thể quyết định có lựa chọn nêu các bình luận tại Mỹ vào phiên bào chữa cho thân chủ hay không”, bà Freeland trả lởi trong cuộc họp báo ngày 12/12.
John Moscow, một cựu công tố viên, hiện đang là luật sư làm việc cho hãng luật Lewis Baach Kaufmann Middlemiss, cho biết với quyền hành pháp tối cao, ông Trump có quyền can thiệp, nhưng không nên công khai về quyết định đó. "Các lợi ích của hệ thống tư pháp hình sự và của nước Mỹ nói chung có thể xảy ra xung đột, và Tổng thống có thể phải đưa ra quyết định. Tuy nhiên, nếu Tổng thống quyết định sửa đổi chính sách của Bộ vì lợi ích của các vấn đề đối ngoại, thì quyết định đó không nên được 'phát sóng'", ông Baach nói.
Video bà Mạnh Vãn Chu ở bên ngoài Tòa án tại Vancouver sau khi được phép tại ngoại với 7,5 triệu USD bảo lãnh:
Việc Tổng thống Trump có "tiền sử" dễ phớt lờ các quy tắc tiêu chuẩn đã nhiều lần khiến Bộ Tư pháp Mỹ đau đầu. Trước đây từng xảy ra một vụ việc tương tự. Nhóm luật sư bào chữa cho một nghi phạm khủng bố xe tải làm chết 8 người ở New York vào năm 2017 đã trích dẫn một câu tweet của ông Trump kêu gọi án tử hình với nghi phạm này. Các luật sư cho rằng tuyên bố như vậy của Tổng thống có nghĩa là Bộ Tư pháp không thể đưa ra quyết định công bằng về việc có nên đề nghị án tử hình thân chủ của họ hay không.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã bác bỏ ý tưởng sử dụng vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu làm "đòn bẩy" chính trị. Ông Trudeau khẳng định, bất kể những gì diễn ra ở các quốc gia khác, Canada vẫn và sẽ luôn là một quốc gia tuân theo pháp luật.
Matthew Miller, một quan chức của Bộ Tư pháp dưới thời chính quyền Obama, nói rằng đề xuất của ông Trump có thể khiến các đồng minh và đối tác ngừng hợp tác trong các cuộc điều tra và dẫn độ quốc tế khác. Những quốc gia đối địch có thể đưa ra những tuyên bố phi lý chống lại công dân Mỹ để đạt được "đòn bẩy" trong các cuộc đàm phán chính trị hoặc thương mại..
"Can thiệp vào vụ Mạnh Vãn Chu sẽ hoàn toàn nằm ngoài mọi quy tắc tiêu chuẩn có thể chấp nhận được", Lisa Monaca, Cố vấn an ninh nội địa thời Tổng thống Obama và là một cựu công tố viên liên bang từng lãnh đạo bộ phận an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp nhận xét - "Đây sẽ là một cuộc đối đầu đáng kể với Bộ Tư pháp và các công tố viên ở đó".
Quan điểm của Trung Quốc
|
Tổng thống Trump gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires đúng ngày Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: AP |
Những người khác cảnh báo rằng ngay cả khi Tổng thống Trump can thiệp, các nhà đàm phán Trung Quốc cũng sẽ xem xét tư thế mà Trump đang hướng tới là toàn bộ công ty, chứ không phải là một cá nhân.
"Người Trung Quốc không quan tâm về bà Mạnh, họ quan tâm đến Huawei", Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận xét với hãng tin Bloomberg. "Chúng ta có thể thực sự có được một thỏa thuận tốt hơn với Trung Quốc trừ khi chúng ta thực thi luật pháp Mỹ mà không do dự".
Thu Hằng/Báo Tin tức