Căng thẳng bị đẩy lên cao: Cuộc "đại phân ly" Mỹ - Trung sắp diễn ra?

Google News

Tổng thống Trump nói rằng Mỹ sẽ “chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi” nhưng sự tách rời giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có dễ dàng diễn ra?

Trong mối quan hệ kinh tế, Mỹ và Trung Quốc đã gắn kết với nhau trong hàng thập kỷ. Sự gắn kết này chặt chẽ tới nỗi cả hai trở thành những đối tác thương mại lớn nhất của nhau bắt đầu từ năm 2014. Hiện nay, giữa bối cảnh cuộc chiến công nghệ và thương mại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và quan hệ ngoại giao căng thẳng, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đều đang chuẩn bị cho sự "tách rời nhau" nhưng tất nhiên, điều đó không hề dễ dàng.
Cang thang bi day len cao: Cuoc
 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Osaka ở Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Reuters.
Hôm 7/9, Tổng thống Trump đã khẳng định rằng: "Chúng ta sẽ đưa Mỹ trở thành một siêu cường sản xuất của thế giới, đồng thời chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi [...] Khi đề cập đến từ "tách rời", đó là một từ thú vị. Chúng ta đã mất hàng tỷ USD và nếu chúng ta không làm ăn với họ, chúng ta sẽ không mất hàng tỷ USD như vậy".
Mỹ và Trung Quốc có thực sự đang tách rời nhau?
Trao đổi thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm 15% trong năm 2019 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc và Bắc Kinh thực hiện các biện pháp đáp trả.
Trong khi đó, từ năm 2001 - 2018, trao đổi thương mại 2 nước tăng lên trung bình 11% hàng năm. Vào khoảng thời gian này, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và dần trở thành công xưởng của thế giới, vận chuyển nhiều loại linh kiện điện tử giá rẻ, đồ chơi và hàng may mặc tới Mỹ.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cùng những cuộc chiến mới về việc tiếp cận thị trường đã đẩy căng thẳng 2 bên đi xa hơn, thậm chí là trên "bờ vực" của một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới như nhiều nhà quan sát nhận định.
Dù vậy, bất chấp những rạn nứt ngày càng lớn và những khác biệt không dễ hóa giải, 2 nền kinh tế đối tác và cũng là đối thủ lớn nhất của nhau đều thấy khó có thể tách rời nhau mà không khiến bản thân bị tổn thất hoặc gián đoạn.
Những bất đồng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, trong đó bao gồm những cáo buộc của Washington về các hành vi gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ từ Bắc Kinh. Mỹ coi tham vọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiến bộ công nghệ và sự tham gia vào mạng lưới viễn thông nước ngoài là một mối đe dọa với an ninh quốc gia. Chính quyền Tổng thống Trump đã cấm các công ty Mỹ buôn bán linh kiện cho các công ty Trung Quốc, trong đó có tập đoàn viễn thông Huawei đứng đầu thế giới về công nghệ mạng không dây 5G.
Mỹ cũng bắt đầu dỡ bỏ những ưu đãi thương mại đặc biệt của Hong Kong sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới ở đặc khu hành chính này hồi tháng 6. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang bắt đầu rút thị phần khỏi thị trường chứng khoán Mỹ giữa bối cảnh những quy định mới khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc niêm yết ở đây.
“Chất xúc tác” Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã làm bùng nổ những tranh cãi không hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai bên liên tục đưa ra những cáo buộc về nhau liên quan đến dịch bệnh. Dù vậy, việc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc phong tỏa sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán - một trung tâm công nghệ và thiệt bị tự động, đã khiến nhiều công ty trên thế giới có chuỗi cung ứng "đi qua" thành phố này gặp tình cảnh thiếu các bộ phận quan trọng.
Điều này đã khiến lưỡng đảng Mỹ kêu gọi các chính trị gia đưa việc sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ - một lập trường từng được Tổng thống Trump đưa ra nhiều lần trong cuộc chiến thương mại. Những đòi hỏi trên cũng củng cố một thực tế rằng, các quốc gia ngày càng nhận ra rằng họ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều như thế nào về thiết bị bảo hộ, chẳng hạn như khẩu trang.
Đại dịch Covid-19 giống như một bước ngoặt có thể đẩy các quốc gia, trong đó có Mỹ, gây sứ ép để các công ty đưa việc sản xuất các sản phẩm y tế quan trọng như thiết bị bảo hộ về trong nước.
Các doanh nghiệp Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc?
Trên thực tế, không có quá nhiều công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc bất chấp những căng thẳng giữa 2 bên. Theo một cuộc khảo sát được tiến hành hồi tháng 3 của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, khoảng 84% công ty Mỹ cho biết họ không có kế hoạch di dời việc sản xuất hoặc các quy trình vận hành chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc do đại dịch Covid-19.
Điều đó là do ngoài việc Trung Quốc là công xưởng của thế giới thì nhiều sản phẩm do các công ty Mỹ sản xuất ở Trung Quốc cũng đang nhắm đến thị trường tại đây.
Thậm chí, dù cuộc chiến thương mại leo thang năm 2019, các công ty Mỹ vẫn đầu tư 14 tỷ USD vào các nhà máy mới cũng như các khoản đầu tư dài hạn khác ở Trung Quốc, tăng khoảng 10% so với năm 2018.
Tranh cãi Mỹ - Trung sẽ đi đến đâu?
Tổng thống Trump đã dùng chính sách "Nước Mỹ trước tiên" để vào Nhà Trắng khi Chủ tịch Tập Cận Bình tăng cường sức mạnh quân sự, công nghệ và kinh tế của Trung Quốc. Chỉ trích Trung Quốc làm tổn hại đến nền kinh tế Mỹ và đánh cắp các công việc của người dân Mỹ trong suốt chiến dịch năm 2016, Tổng thống Trump đã tiến hành cuộc chiến thương mại trong 2 năm sau đó với những đòn thuế quan mạnh mẽ.
Thực tế là mục tiêu giám sát quyền lực của Trung Quốc là một trong những đặc điểm thống nhất hiếm hoi giữa các chính trị gia vốn chia rẽ sâu sắc ở Mỹ. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ hồi năm 2016 vẫn khen ngợi về "tình bạn" với Chủ tịch Tập Cận Bình nay đã quay sang chỉ trích nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Trump khẳng định sẽ thu hẹp mối quan hệ về kinh tế với Bắc Kinh "dù phải tách rời hay áp một số lượng lớn các biện pháp thuế quan lên Trung Quốc như tôi đang làm".
Theo International Business Times, việc tách rời 2 nền kinh tế Mỹ - Trung có thể gây tổn hại cho Bắc Kinh nhiều hơn là Washington. Một nghiên cứu từ Bloomberg Economics cho thấy việc tách rời này sẽ khiến tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc giảm xuống 3,5% vào năm 2030 thay vì mức dự báo hiện nay là 4,5%. Đặc biệt, nếu Mỹ có thể thuyết phục các đối tác thương mại quan trọng khác tách rời khỏi Trung Quốc, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có nguy cơ giảm xuống 1,6% vào năm 2030.
Abishur Prakash, chuyên gia tại Trung tâm vì Sáng kiến Tương lai, một công ty tư vấn chiến lược tại Toronto, Canada nhận định, trung tâm của sự tách rời Mỹ - Trung nằm ở “mặt trận” công nghệ.
"Mỹ có thể tách rời khỏi Trung Quốc theo 2 cách: đầu tư vào thị trường nội địa, các sáng kiến ở Mỹ hoặc thuyết phục các đồng minh. Chẳng hạn, Mỹ và Australia đang hợp tác trong các chuỗi cung ứng "không có Trung Quốc" về khoáng chất đất hiếm", chuyên gia Prakash cho hay.
Nhà phân tích này đánh giá thêm rằng, sự tách rời ở các lĩnh vực khác cũng đang diễn ra từ từ.
"Từ công nghệ sẽ dẫn tới địa - chính trị. Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang tách rời khỏi Trung Quốc. Những ý tưởng như toàn cầu hóa đang bị dỡ bỏ. Bây giờ, tất cả các quốc gia sẽ đặt bản thân lên trước".
Với câu hỏi liệu sự tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc có thực tế hay không, nhà phân tích Prakash cho rằng: "Về lý thuyết, điều này là có thể nhưng thực tế sẽ diễn ra khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, mọi thứ đang diễn ra nhanh hơn so với dự tính. Chẳng hạn, Nhật Bản đang chuẩn bị hỗ trợ cho các công ty nước này dịch chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Việc nhắm vào Tik Tok và tập đoàn công nghệ Huawei gần đây cũng cho thấy phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, không muốn trở nên phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc".
"Nếu Trung Quốc bắt đầu nhằm vào các công ty công nghệ phương Tây, cấm các sản phẩm hoặc buộc họ tuân theo các quy định mới, Bắc Kinh sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình tách rời diễn ra nhanh hơn. Đó có lẽ không phải lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, kể cả Trung Quốc không làm gì, Mỹ vẫn đang nỗ lực tách rời khỏi Trung Quốc bằng mọi cách. Tình hình này giống như một ván cờ vua, Mỹ đã đi quân hậu nhưng Trung Quốc thì chưa cả dịch chuyển quân tốt".
Theo Kiều Anh/VOV.VN