Căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ đưa oanh tạc cơ B-2 tới Hawaii

Google News

Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit đã được điều quay trở lại Hawaii nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
 

Động thái tái triển khai oanh tạc cơ B-2 xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới chiến tranh thương mại và hoạt động trên một vài vùng biển tranh chấp.
“Triển khai B-2 tới Hawaii giúp chúng tôi thể hiện trước khán giả quốc tế rằng máy bay ném bom B-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, sẵn sàng bảo vệ quốc gia và đồng minh”, Trung tá Joshua Dorr – người chỉ huy các chiến dịch của Sư đoàn Bom 393, cho biết. Theo kênh truyền hình RT, vị quan chức quân sự đã thông báo về hoạt động triển khai 3 chiếc máy bay ném bom B-2 Spirit và 200 binh sĩ đến căn cứ chung Trân Châu Cảng-Hickam ở Hawaii.
Cang thang voi Trung Quoc, My dua oanh tac co B-2 toi Hawaii
Máy bay ném bom tàng hình B-2. Ảnh: Không quân Mỹ 
“Những đặc tính như tàng hình hay khó phát hiện của máy bay B-2 sẽ giúp nó có khả năng thâm nhập vào những hệ thống phòng thủ tinh vi nhất của đối thủ và đe dọa những mục tiêu có giá trị nhất của kẻ thù”, Lực lượng Không quân Mỹ nhấn mạnh.
Không quân Mỹ không chỉ đích danh Trung Quốc hay bất kỳ tên đối thủ nào trong tuyên bố, song lực lượng này nhấn mạnh lần này các máy bay ném bom tàng hình tới Honolulu là để hỗ trợ làm nhiệm vụ, sẽ củng cố “năng lực sẵn sàng chiến đấu toàn cầu” của quân đội Mỹ.
Video máy bay ném bom B-2 cùng khoảng 200 binh sĩ chuẩn bị tới Trân Châu Cảng (nguồn: RT):
Đây là lần thứ hai máy bay ném bom B-2 được điều động tới Trân Châu Cảng với mục đích hỗ trợ nhiệm vụ. Trong lần điều động đầu tiên từ tháng 8-9/2018, các máy bay ném bom đã thực hiện một số nhiệm vụ và huấn luyện cùng máy bay chiến đấu chiến lược F-22. Máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ cũng từng phô diễn sức mạnh ở Căn cứ Không quân Andersen thuộc Guam nhằm răn đe Triều Tiên.
Sự trở lại của máy bay ném bom tại Hawaii trùng khớp với khoảng thời gian Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) DF-26 đến các khu vực “cao nguyên và sa mạc” phía tây bắc đất nước. Có khả năng đánh trúng mục tiêu trong khoảng cách 6.427 km, tên lửa với biệt danh “Sát thủ đảo Guam” trở thành mối đe dọa với Căn cứ Không quân Andersen.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức