|
Vừa mới thành lập, Cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến đến Senkaku/Điếu Ngư.
|
Một hội nghị quốc tế về an toàn hàng hải tuần trước đã được tổ chức ở Bắc Kinh để đánh dấu sự kiện này. Người tổ chức hội nghị, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Susan Shirk, ca ngợi sự thành lập của Cảnh sát biển Trung Quốc từ việc thống nhất các lực lượng hải giám, hải cảnh, ngư chính và hải quan của Trung Quốc là “sự phát triển tích cực” đối với “các nước láng giềng của Trung Quốc cũng như Mỹ”.
Theo bà Susan, lý do là “vì chúng tôi biết ai là người chịu trách nhiệm và người có thể chịu trách nhiệm”.
Bà Susan cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ lấy các cơ quan Cảnh sát biển của Nhật Bản và Mỹ làm hình mẫu, mô hình để phát triển. Vì Cảnh sát biển Trung Quốc “phát triển thành một cơ quan chuyên nghiệp phù hợp với luật pháp quốc tế”, hơn nữa, “lực lượng này cũng sẽ làm giảm các nguy cơ đụng độ, sự cố hàng hải”.
Theo Diplomat, điều đó là một khả năng. Tuy nhiên, những hành vi sai trái của Trung Quốc trên biển như ở bãi cạn Scarborough hay những cuộc xâm nhập quần đảo Điếu Ngư/Senkaku - minh chứng cho việc các cơ quan đảm trách các nhiệm vụ và sứ mệnh trên biển trước đây có thể vì quan liêu, vì quá sốt sắng, hăng hái đã vượt quá quyền hạn của họ.
Do đó, theo Diplomat, việc hợp nhất các cơ quan từng đảm trách việc tuần tra, bảo vệ các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bao gồm, lực lượng Hải giám; Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc; lực lượng Ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp; và cảnh sát chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan dưới một cơ quan quyền lực cao nhất là Cục Cảnh sát biển cần đảm đảm bảo rằng, cơ quan này sẽ thực hiện các sứ mệnh của họ thống nhất, phù hợp với sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và luật pháp quốc gia cũng như quốc tế. Nếu không, như bà Shirk lưu ý, ít nhất người ta sẽ có nơi để chỉ trích, để đổ lỗi khi các sự cố trên biển tiếp diễn.
Trên thực tế, có 2 điều khiến giới phân tích quan ngại về việc các sự cố trên biển sẽ tiếp diễn và dẫn đến những hậu quả khôn lường. Một là, cho dù rõ ràng, những va chạm làm dậy sóng các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bắt nguồn từ lỗi lầm của tàu thuyền Trung Quốc, Bắc Kinh chẳng những không tìm cách hạ nhiệt căng thẳng mà luôn có xu hướng cố tình leo thang.
Chẳng phải nói đâu xa, chỉ cần nhìn vào căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines khi Bắc Kinh trắng trợn cướp quyền tài phán của Manila đối với một đảo san hô thuộc vùng đặc quyền kinh tế của quốc đảo này. Vụ việc xuất phát từ sự cố ngư dân Trung Quốc va chạm với Cảnh sát biển Philippines. Hoặc trường hợp giữa Bắc Kinh và Tokyo khi một tàu Cảnh sát biển Nhật Bản bị các tàu công vụ của Trung Quốc quấy phá xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.
Những vụ việc như trên không phải là sự cố mà phản chiếu những suy tính chính trị thâm hiểm của Bắc Kinh và đã được lên kế hoạch trước.
Và hai là, sẽ không có gì bất ngờ khi lực lượng Cảnh sát biển non trẻ của Trung Quốc sẽ chỉ thực thi các sứ mệnh và nhiệm vụ dựa trên pháp luật của đất nước, phớt lờ luật pháp quốc tế.
Ban lãnh đạo Trung Quốc đã ghi các tuyên bố chủ quyền biển đảo vào Bộ luật nội địa năm 1992, ban hành Bộ luật về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp. Đó chắc chắn chính là thứ luật mà Cảnh sát biển Trung Quốc sắp tới sẽ thực thi.
Với sự thừa nhận thẳng thừng ngang ngược, một nhà nghiên cứu quân sự của Trung Quốc là Zhang Junshe phát biểu mục đích của Cục Cảnh sát biển là “chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các vùng biển”.
Dễ dàng nhận thấy, tuyên bố “chủ quyền không thể chối cãi đối với các vùng biển” cũng là khẩu hiệu mà Bắc Kinh lặp đi lặp lại trên tất cả các vùng biển mà họ tuyên bố quyền tài phán. Và khi chủ quyền có nghĩa là độc quyền chiếm hữu các vùng biển đó, Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ chính là lực lượng giúp Bắc Kinh áp đặt độc quyền đó.
Vì vậy, trong thực tế, sự ra đời của Cảnh sát biển Trung Quốc rõ ràng không thể không khiến các nước ven biển ở Châu Á quan ngại.
Nhà phân tích Arthur Ding của Đại học Quốc gia Chengchi của Đài Loan dự đoán, cục Cảnh sát biển chắc chắn sẽ đẩy mạnh hoạt động cưỡng ép trên các vùng biển. Đặc biệt, theo lời Arthur Ding, việc tuần tra của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông có lẽ sẽ “thường xuyên và cứng rắn hơn”. Họ sẽ theo đuổi các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và củng cố các tuyên bố này mạnh mẽ hơn trước. Nếu đúng như vậy, lực lượng này sẽ tạo ra các bất đồng, mâu thuẫn mới chứ không phải làm dịu và tránh bất đồng, mâu thuẫn.
Bạch Dương (Diplomat)