Trên đây là nhận định của tờ The Atlantic. Tờ báo viết, nếu một quốc gia có vũ khí hoá học hoặc sinh học, phần còn lại của thế giới có xu hướng phản ứng quyết liệt hoặc ít nhất đã làm như vậy trong quá khứ không xa. Các lệnh trừng phạt đổ xuống, những nước bị cáo buộc sử dụng vũ khí sinh hoá học bị tẩy chay khỏi cộng đồng toàn cầu.
|
Bản đồ cho thấy vị trí của tất cả các vụ cháy rừng tại Brazil từ ngày 13/8. Ảnh: Global Forest Watch. |
Tờ Atlantic viết tiếp, sự phá huỷ của cháy rừng Amazon - lá phổi xanh của thế giới - được cho là nguy hiểm hơn nhiều so với vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Hậu quả của cháy rừng thảm khốc đang diễn ra sẽ diệt chủng các loài động thực vật và đẩy nhanh cuộc khủng hoảng khí hậu kéo dài đến muôn đời.
Chỉ cần mất 1/5 rừng Amazon sẽ kích hoạt một quá trình gọi là “dieback”, tạo ra những gì mà tờ The Intercept gọi là “quả bom ngày tận thế của carbon lưu trữ”.
6 bang trong khu vực Amazon của Brazil đã yêu cầu sự giúp đỡ của quân đội vào ngày 24/8 để chống lại các vụ hỏa hoạn đang hoành hành khắp khu rừng nhiệt đới này, vốn đã khơi lên sự phẫn nộ quốc tế vì vai trò trung tâm của Amazon trong việc chống lại sự tăng nhiệt toàn cầu.
|
Một phần rừng Amazon bốc cháy ở Iranduba, bang Amazonas, Brazil, ngày 22/8/2019. Ảnh: Reuters |
Các bang Para, Rondonia, Roraima, Tocantins, Acre và Mato Grosso - trong số 9 bang nằm trong khu vực này - đã yêu cầu trợ giúp từ quân đội, theo một phát ngôn viên của văn phòng tổng thống, một ngày sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro cho phép quân đội tham gia giúp sức.
Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và việc bảo vệ nó được coi là thiết yếu trong cuộc chiến chống tình trạng biến đổi khí hậu vì lượng carbon dioxide khổng lồ mà nó hấp thụ.
Brazil có 44.000 binh sĩ đồn trú ở khu vực phía bắc Amazon sẵn sàng chống cháy rừng và có thể điều thêm binh sĩ từ các nơi khác trong nước, Raul Botelho, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng quân đội của nước này cho biết.
Các nhà vận động vì môi trường đã nói rằng nông dân khai quang đất rừng làm đồng cỏ là nguyên nhân khiến các vụ cháy rừng gia tăng.
Ông Bolsonaro hôm 21/8 khiến những người chỉ trích phẫn nộ khi ông cáo buộc các tổ chức phi chính phủ đốt rừng để bôi xấu chính phủ của ông. Nhưng vào ngày 22/8, ông lần đầu tiên thừa nhận rằng nông dân có thể đã góp phần gây nên các đám cháy trong khu vực này.
Sự phẫn nộ của quốc tế lên cao khi các lãnh đạo Châu Âu hôm 23/8 đe dọa hủy bỏ một thỏa thuận thương mại với Nam Mỹ. Ông Bolsonaro tìm cách xoa dịu bằng một bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc mà trong đó ông cam kết sẽ huy động binh sĩ để ứng phó với nạn cháy rừng.
Các đám cháy trong khu vực Amazon thuộc Brazil, có diện tích hơn phân nửa khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, đã tăng vọt 83% trong năm nay, theo số liệu của chính phủ.