Chiến binh Hồi giáo: Từ đao phủ máu lạnh đến khóc khi làm thơ

Google News

Học giả người Na Uy miêu tả các chiến binh Hồi giáo là người có thể khóc vì bài thơ diễn tả nỗi khổ của những số phận bị áp bức...

Học giả người Na Uy miêu tả các chiến binh Hồi giáo là người có thể khóc vì bài thơ diễn tả nỗi khổ của những số phận bị áp bức nhưng vô cảm trước nạn nhân của chính mình.
Theo Guardian, John "Thánh chiến" là đao phủ trong các video chặt đầu con tin của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). John "Thánh chiến" từng là thành viên của CAGE, một tổ chức trụ sở tại London chuyên giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến chống khủng bố.
Người phát ngôn của CAGE từng miêu tả John là "người đàn ông trẻ tuyệt vời, cực kỳ tử tế, lịch thiệp và nói năng nhỏ nhẹ. Người khiêm nhường nhất tôi từng gặp". John thậm chí còn mang thức ăn nhẹ kiểu Trung Đông đến cho những người trong văn phòng CAGE ở London.
Người "truyền cảm hứng" cho John "Thánh chiến" là Abu Musab al-Zarqawi, cũng nổi tiếng với việc tra tấn và hành quyết nhiều con tin phương Tây. Một mặt, al-Zarqawi được gọi là "lãnh tụ giết chóc", mặt khác, cũng chính y được đặt cho biệt danh "kẻ sụt sịt" vì thói quen khóc khi cầu nguyện.
Học giả người Na Uy Thomas Hegghammer, nhà nghiên cứu lâu năm về các tay súng thánh chiến, nói rằng không phải lúc nào những tên khủng bố khét tiếng cũng chỉ biết đến giết chóc và bạo lực, dẫu cho dư luận thường tự mặc định họ là những cỗ máy giết người không gớm tay.
Chien binh Hoi giao: Tu dao phu mau lanh den khoc khi lam tho
 Mohammed Emwazi, còn gọi là John "Thánh chiến", đao phủ trong các video cắt đầu tù binh của IS. Ảnh: Guardian.
Thơ ca ngập cảm xúc và những con mèo dễ thương
Năm 2010, sau một thập kỷ nghiên cứu, Hegghammer kết luận rằng thành viên các nhóm khủng bố thích sáng tác, dẫn thơ, ca hát, giải mã giấc mơ, hoàn thiện kỹ năng và đặc biệt chăm chút ngoại hình.
Chủ nghĩa thánh chiến, theo cách cắt nghĩa của ông Hegghammer, là một hiện tượng tương đối mới, chỉ bắt nguồn từ khoảng thập niên 1980. Khi nhà nghiên cứu này đào sâu vào quá khứ của các tay súng thánh chiến, ông phát hiện họ chia sẻ một văn hóa riêng biệt và đầy sống động, thay vì chỉ nỗi ám ảnh với cái chết.
Những phát hiện này được Hegghammer ghi chép lại trong tác phẩm Jihadi Culture: The Art and Social Practices of Militant Islamists (tạm dịch: Văn hóa Thánh chiến: Nghệ thuật và Thực hành Xã hội của các Chiến binh Hồi giáo).
"Cuộc sống của một chiến binh không chỉ là bom liều chết và các học thuyết. Nó còn bao gồm các nghi lễ, phong tục và quy tắc ăn mặc. Nó còn là phim ảnh, âm nhạc và các câu chuyện. Còn là thể thao, các trò đùa và ẩm thực", Hegghammer viết trong cuốn sách vừa xuất bản hồi tháng 6.
Hegghammer cho rằng các chiến binh thánh chiến có "một bề dày văn hóa duy mỹ, chính điều này là yếu tố thiết yếu để tìm hiểu đầu óc và thế giới quan của họ".
Trong khi đó, Guardian nhận định từ thích hợp để nói về văn hóa của các tay súng thánh chiến là "hào nhoáng" vì phần lớn các tác phẩm văn chương và hội họa được đề cập trong quyển sách khá cảm xúc và ái kỷ.
Chương viết về các tác phẩm hội họa tràn ngập những hình vẽ cảnh như thiên đường, những chú mèo dễ thương và trẻ em với đôi mắt mở to tròn.
"Đó là một văn hóa rất lãng mạn", ông Hegghammer nói.
Các chiến binh, ai cũng xem mình là những người hùng trong lịch sử, những hiệp sĩ trong bộ áo giáp sáng bóng. Dù phần lớn các chiến binh rất nghiêm túc với sự nghiệp họ theo đuổi, một số người khá hài hước và thậm chí tự giễu nhại chính mình.
"Chúng ta trông chờ họ dành tất cả thời gian để trau dồi kỹ năng chế tạo bom, đi gây quỹ hay tìm hiểu các điểm yếu của kẻ thù. Nhưng họ lại 'phí phạm' thời gian ngồi dẫn thơ, hát thánh ca và những hoạt động khác không phục vụ cho các mục đích chiến lược", tác giả viết.
Hegghammer lập luận chính các tác phẩm nghệ thuật và lối sống trên đã dẫn những người cực đoan vào con đường thánh chiến, thay vì chiều ngược lại. Những chiến binh mới thường lắng nghe các loại nhạc và video thánh chiến trong nhiều ngày trước khi thấu hiểu các học thuyết hay bắt đầu chiến đấu.
Phần kỳ lạ và mâu thuẫn nhất trong đời sống tinh thần của các chiến binh thánh chiến có lẽ là những bài thơ và bộ phim mà họ xem về sự chịu đựng của con người. Những kẻ cực đoan thậm chí đã lãng mạn hóa những nỗi đau mà họ mang đến cho người khác. Tất nhiên, điều này cũng xuất hiện ở nhiều nhóm vũ trang khác, nhưng đặc biệt hiện diện ở các chiến binh Hồi giáo.
Một trong những hình thức sáng tạo được chấp nhận trong đạo Hồi là nashid, một dạng thơ được hát lên để nói về nỗi đau khổ của những người bị chiếm đóng hay áp bức. Quyển sách của Hegghammer miêu tả các chiến binh thánh chiến thường rơi nước mắt khi đọc những câu chuyện được kể trong nashid. Thế nhưng, cũng chính những chiến binh đó không ngần ngại thảm sát người Yazidi, bắt phụ nữ làm nô lệ hoặc đuổi người dân ra khỏi làng mạc của họ.
Chạy theo những giấc mơ
Theo giáo lý Hồi giáo, nhà tiên tri Mohammed đã nhận lấy những mặc khải thánh thần từ các giấc mơ. Các chiến binh thánh chiến về sau cũng theo chân nhà tiên tri, tìm kiếm ý nghĩa những giấc mơ của họ.
Trong cuốn sách, The Islamic Dream Tradition and Jihadi Militancy (Tạm dịch: Truyền thống Giấc mơ của Hồi giáo và các Chiến binh Thánh chiến), 2 tác giả Iain Edgar và Gwynned de Looijer đã chỉ ra Mullah Omar, thủ lĩnh trước đây của Taliban, từng xem giấc mơ là chỉ dẫn chiến lược.
Trùm khủng bố Osam bin Laden cũng trấn an mình bằng những giấc mơ. Một năm trước sự kiện 11/9/2001, một tên "đàn em" kể với Bin Laden về giấc mơ với những chiến binh Hồi giáo mặc đồ phi công đang chơi đá bóng với người Mỹ. Vì người này không hề hay biết về kế hoạch khủng bố, Bin Laden cho rằng đó là điềm lành cho sự thành công của vụ khủng bố.
Nhiều phần tử cực đoan đến Syria gia nhập các nhóm khủng bố được cho là vì sự chỉ dẫn của những giấc mơ.
Theo Phương Thảo/Zing News