Trao đổi với Zing, giáo sư Aubrey Jewett, thuộc khoa chính trị, an ninh, quan hệ quốc tế của Đại học Central Florida, nói lịch trình đi lại cho thấy ông Trump đang ở “thế thủ”, còn ông Biden ở thế “tấn công” nhằm mở rộng số bang có cơ hội thắng.
So với năm 2016, ông Trump đang bất lợi hơn khi bị kém hụt đối thủ về tiền, lại không còn là ứng viên “mới lạ” để thu hút báo chí Mỹ “quảng cáo miễn phí” cho ông nữa, theo giáo sư Jewett.
|
Cả hai ông Trump và Biden đều tới Tampa, bang Florida để vận động ngày 29/10. Ảnh: New York Times. |
Lượng phiếu sớm kỷ lục cũng giúp đảng Dân chủ bứt phá, nhưng cách biệt này đang nhanh chóng hẹp dần. Tính đến 30/10, số phiếu bầu sớm đã vượt 80 triệu, và tỷ lệ cử tri đi bầu năm nay có thể cao nhất trong hơn 100 năm.
Ông Trump phòng thủ, ông Biden tấn công
- Hai ứng viên đang bận rộn với những chuyến kêu gọi cuối cùng. Từ lịch đi vận động của họ, ông nhận xét gì về cục diện đến hiện tại?
- Ông Joe Biden và đảng Dân chủ đang cảm thấy khá tự tin. Họ đang cố nới rộng cách biệt trên các thăm dò, và muốn vươn tới cạnh tranh ở các bang mà bình thường phe Dân chủ khó có cơ hội thắng.
|
Giáo sư Aubrey Jewett từ Đại học Central Florida. Ảnh: Đại học Central Florida. |
Vì vậy, chúng ta thấy ông Biden đến các bang như Georgia và Iowa. Đến cả Texas năm nay cũng được coi là bang tranh chấp. Đó đều là những bang có truyền thống về tay phe Cộng hòa, mà bình thường đảng này không phải lo lắng một phút nào về thắng thua. Nên về lý thuyết thì họ cũng phải dễ thắng ở lần này.
Về phần mình, ông Trump dường như đang phải dành thêm thời gian “bảo vệ” các bang mà ông thắng lần trước.
Đây là khác biệt so với bốn năm trước. Lúc đó, ông Trump là người đang cố mở rộng bản đồ của mình, nhất là đi vận động ở các bang Trung Tây, còn gọi là “vành đai công nghiệp” (Rust Belt) của Mỹ, vì nơi đó tập trung ngành sản xuất đang chật vật. Đảng Cộng hòa chưa thắng được các bang đó (Wisconsin, Michigan) và Pennsylvania trong 5-6 kỳ bầu cử, nhưng ông Trump vẫn tới vận động và thắng tất cả.
Nói cách khác, lần trước, ông Trump chơi thế “tấn công” và mở rộng số bang mà phe Cộng hòa cạnh tranh. Lần này, có vẻ như ông đang ở thế thủ, còn ông Biden đang cố mở rộng số bang mà ông có thể thắng.
- Chiến dịch của ông Trump được cho là đang cạn tiền nên giảm dần kinh phí cho quảng cáo. Ông Trump đang phải dựa vào chiến thuật đi tranh cử dày đặc.
Liệu lịch vận động dồn dập như vậy có tạo khác biệt lớn trong những ngày cuối?
- Tất nhiên điều đó có thể tạo khác biệt. Một điều tương đồng giữa 2016 và 2020 là ông Trump đều bị đối phương áp đảo về tiền, ngay cả trong năm nay khi ông là tổng thống đương nhiệm - thường thì người đương chức dễ huy động tiền hơn.
Cuối cùng, ông Trump vẫn thắng năm 2016. Nhưng sự khác biệt lớn của 4 năm trước là ông Trump được nhiều “quảng cáo miễn phí”, vì là một ứng viên quá đặc biệt. Báo đài phải đưa tin về ông ta, vì tin tức cần những thứ mới, phải không? Ông Trump đi vận động thì không chỉ có 10.000-15.000 người tới xem, mà còn được báo đài chú ý “miễn phí”, đem lại thêm hàng triệu khán giả trên cả nước.
Lần này, ông Trump vẫn có các buổi vận động, vẫn có đám đông. Nhưng ông không được truyền thông “miễn phí” như trước. Vì vậy, việc ông bị kém hụt về tiền sẽ là bất lợi lớn hơn so với 2016. Ông không thể bù lại điều này bằng việc được “quảng cáo miễn phí” nữa.
|
Đám đông vẫn tới sự kiện vận động của ông Trump (ở Bullhead, Arizona), nhưng truyền thông không còn "cơn sốt" đưa tin như năm 2016. Ảnh: New York Times. |
Liệu có kết quả ngay đêm bầu cử?
- Dựa vào các thông tin hiện tại, ông dự đoán điều gì vào đêm bầu cử 3/11 (theo giờ Mỹ)?
- Nếu các thăm dò chuẩn xác, dường như ông Biden đang dẫn ở những bang quan trọng cần thiết có thể đem lại chiến thắng. Đó có thể là một chiến thắng cách biệt lớn.
Về mặt truyền thống, một phần trong tôi nghĩ rằng các thăm dò tương đối chính xác. Như vậy ông Joe Biden có khả năng khá cao trở thành tổng thống. Nhưng mặt khác, như chúng ta thấy bốn năm trước, thăm dò có thể không hoàn toàn đúng. Thăm dò năm 2016 cho thấy có 4-5 bang mà bà Hillary Clinton dẫn trên, nhưng sau ông Trump lại thắng với cách biệt đáng kể.
Tôi vẫn nghĩ ông Trump có thể giành được nhiệm kỳ thứ hai - đó là khả năng không thể loại trừ.
- Liệu chúng ta có kết quả bầu cử vào đêm 3/11 (giờ Mỹ) hay không?
- Tôi hy vọng kết quả sẽ có ngay trong đêm bầu cử. Nhưng điều đó có thể không xảy ra vì nhiều lý do.
Đầu tiên, kết quả bầu cử có thể sẽ rất sát nút. Chẳng hạn ở Florida hay 1-2 bang chiến trường khác, kết quả quá sít sao, và sẽ phải kiểm phiếu lại nên mất thêm thời gian. Như vậy ta sẽ không có kết quả trong đêm bầu cử.
Như năm 2000, kết quả ở Florida quá bám sát. Kết quả trên toàn quốc cũng như vậy, đến mức ai thắng Florida sẽ làm tổng thống.
Phải mất một tháng để bang Florida kiểm phiếu lại, và phải qua vài phán quyết của tòa án trước khi có tuyên bố ông George W. Bush thắng Florida và giành chức tổng thống.
Lý do thứ hai là số lượng kỷ lục cử tri bỏ phiếu qua thư, thay vì trực tiếp đến điểm bỏ phiếu. Quy định ở nhiều bang không cho phép giới chức kiểm phiếu gửi qua thư cho đến ngày bầu cử. Cứ tưởng tượng hàng triệu người đã bỏ phiếu sớm qua thư, thì việc kiểm chỗ phiếu đó có thể mất vài ngày.
Một lý do nữa là khoảng 10-12 bang quy định nếu cử tri gửi phiếu qua thư thì tờ phiếu không bắt buộc phải đến nơi vào ngày bầu cử. Nó chỉ cần đóng dấu bưu điện trước ngày bầu cử rồi có thể đến nơi 3-5 ngày sau.
Do vậy, những bang như California hay Oregon có thể không có kết quả chính thức ngay trong đêm bầu cử, mà nhiều khi phải mất 3-5 ngày sau để tuyên bố chính thức. Vì những bang này cho phép phiếu đến nơi sau ngày bầu cử.
|
Sau các phán quyết và kháng cáo ở tòa thấp hơn, Tòa án Tối cao Mỹ ngày 28/10 vừa phán quyết cho phép hai bang tranh chấp quan trọng là Pennsylvania và North Carolina nhận phiếu đến nơi vài ngày sau bầu cử. Ảnh: New York Times. |
Phiếu bầu sớm có lợi cho ai?
- Số phiếu bầu sớm đang ở mức kỷ lục trong năm nay. Liệu mức độ nhiệt tình đi bỏ phiếu như vậy có đang là lợi thế với ứng viên nào hay không?
- Ban đầu, có vẻ đảng Dân chủ đang xuất phát với cách biệt lớn. Cử tri của họ đang đăng ký phiếu và gửi lại qua thư với tỷ lệ cao hơn nhiều so với đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ đang bứt phá từ đầu, với đà và sự nhiệt thành mà bà Hillary Clinton không có được hồi bốn năm trước.
Nhưng từ khi các điểm bỏ phiếu sớm mở cửa, các cử tri Cộng hòa ở nhiều bang đã đi bầu và thu hẹp cách biệt. Dù người của đảng Dân chủ bứt phá với phiếu gửi qua thư, đảng viên Cộng hòa lại đồng loạt đi bầu trực tiếp.
Vì vậy thế cờ vẫn chưa nghiêng hẳn bên nào.
Tính tổng các bang, cử tri đảng Dân chủ đã bỏ nhiều phiếu hơn so với cử tri đảng Cộng hòa, nhưng chúng ta vẫn phải chờ xem.
Trong kỳ bầu cử bình thường, đó sẽ là dấu hiệu tích cực cho đảng Dân chủ, nhưng năm nay không hề bình thường.
|
Cử tri xếp hàng để đăng ký và điền phiếu gửi qua thư ở Tòa thị chính thành phố Philadelphia ngày 27/10. Ảnh: New York Times. |
Không bình thường vì Tổng thống Trump đã liên tục phê phán bỏ phiếu qua thư (dù không có cơ sở), và khuyến khích người Cộng hòa không chọn cách này mà hãy trực tiếp đi bỏ phiếu.
Chúng ta không biết liệu cách biệt ban đầu của đảng Dân chủ là do đảng Cộng hòa đang thua thực sự, hay là do người Cộng hòa đang nghe ông Trump và đợi đến ngày bầu cử mới bỏ phiếu.
Lần trước, khi được hỏi khi nào thì họ quyết định chọn ứng viên, tới 10-11% số cử tri nói đến tuần cuối mới quyết định. Ông Trump thắng áp đảo ở nhóm cử tri này với tỷ lệ 55% - 35%.
Như vậy càng cho thấy chúng ta không thực sự biết cách biệt ban đầu của đảng Dân chủ có đang dự báo họ sẽ thắng lớn hay không. Tất nhiên, đây vẫn là dấu hiệu tốt với họ, nhưng sẽ không bảo đảm họ sẽ chiến thắng.
- Ở bang Florida của ông, bang chiến trường hết sức quan trọng, ông thấy sự ủng hộ năm nay như thế nào?
- Điểm giống với bốn năm trước là sự nhiệt tình mà người ủng hộ ông Trump dành cho ứng viên của họ. Họ yêu mến ông Trump, và ngay cả giữa đại dịch, vẫn nhiều người tới các buổi vận động của ông.
Nhưng tin vui cho ông Biden là nhiều người Dân chủ đặc biệt không thích ông Trump, gần như là ghét ông Trump. Đó là động lực của họ.
Có thể họ không phấn khích về ông Biden như từng phấn khích với Barrack Obama. Nhưng người Dân chủ vẫn sẽ nhiệt tình đi bỏ phiếu vì không thể chịu nổi Donald Trump.
Có điểm khác biệt lớn, là bốn năm trước, nhiều người Dân chủ từng không nghĩ ông Trump có thể thắng. Họ không phấn khích về Hillary Clinton, vì vậy họ không đi bỏ phiếu hoặc đi bầu cho ứng viên đảng thứ ba.
Nhưng lần này, họ biết ông Trump có thể thắng, vì rõ ràng ông đang là tổng thống. Sự nhiệt tình đi bầu là điểm khác biệt lớn.
Khi tôi thấy mọi người cắm biển hiệu, hoặc đứng ở góc phố vẫy cờ, hoặc viết trên mạng xã hội. Nếu là người Dân chủ, họ thực sự rất muốn ông Trump mất chức. Không phải họ hào hứng về Joe Biden, nhưng họ vẫn sẽ đồng loạt bầu cho ông vì không thích Donald Trump.
|
Nhóm người Cuba ủng hộ ông Biden vẫn tập trung bên đường bất chấp mưa bão ở Miami hồi tháng 9. Ảnh: New York Times. |
Ông Trump là “kẻ thù lớn nhất của chính mình”
- Nhiều cử tri gốc Việt ở Mỹ cảm thấy bầu cử năm nay gây chia rẽ gay gắt trong cộng đồng người Việt. Họ không thể nói chuyện với người ủng hộ bên kia. Nếu ông Biden đắc cử, liệu sự chia rẽ có giảm bớt?
- Xã hội Mỹ hiện tại phân cực rất lớn về chính trị. Chẳng hạn ở khu phố của tôi, tôi ngạc nhiên vì đang rất ít biển hiệu cắm ở vườn các nhà để ủng hộ ứng viên, so với các kỳ bầu cử trước. Tôi nghĩ nguyên nhân là mọi người không muốn bất hòa với hàng xóm. Họ biết dù họ có cắm biển gì thì một nửa khu phố cũng sẽ bực bội với họ. Họ không muốn tranh luận nữa.
Nếu ông Joe Biden thắng, tình hình có thể đỡ hơn. Vì ông Biden không như ông Trump, ông ấy sẽ không xúc phạm đối thủ, sẽ không lên Twitter viết những lời kích động, sẽ không dùng ngôn từ hung hăng hay khuấy động sự giận dữ của dân mạng.
Sau 40-50 năm ông làm quan chức, nếu chúng ta rút ra điều gì về ông Biden, thì đó là phong cách lãnh đạo của ông Biden khác hẳn ông Trump. Vì vậy “volume” của chính trị Mỹ sẽ nhỏ đi, có thể mọi người sẽ cởi mở hơn về chính trị.
|
Florida tràn ngập biển hiệu của ứng viên tranh cử các cấp. Ảnh: Reuters. |
Nhưng tôi không dám đoán quá xa. Nhiều người Mỹ sẽ vẫn tức giận, vì họ không chỉ ủng hộ ông Trump, mà còn yêu mến ông. Họ sẽ tức giận và không có hứng để thỏa hiệp với người Dân chủ. Sự căng thẳng vẫn tồn tại, phân cực giữa hai đảng vẫn âm ỉ, dù ông Biden có thay đổi giọng điệu.
- Ông Trump đã đạt được những gì và chưa đạt được những gì trong chính sách đối ngoại?
- Ông Trump đã đàm phán lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Đó có lẽ là hiệp định thương mại quan trọng nhất của Mỹ, vì hai trong số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là hai nước láng giềng Canada và Mexico. Hầu hết nhà kinh tế nghĩ hiệp định mới có lợi hơn cho Mỹ, cải thiện vị thế của Mỹ.
Ông Trump cũng góp phần vào các hiệp định hòa bình vừa được ký kết ở Trung Đông. Tôi nghĩ các tổng thống khác sẽ được báo đài ghi nhận nhiều hơn, nhưng ông Trump không được như vậy vì luôn bị chìm vào nhiều bê bối. Đôi khi, ông Trump là “kẻ thù lớn nhất của chính mình”.
Nhưng mặt khác, ông vẫn chưa giải quyết được khủng hoảng ở Palestine. Ông vẫn còn nhiều điều chưa đạt được, chẳng hạn các vấn đề ở châu Á gần hơn với các bạn.
|
Theo giáo sư Jewett, nỗ lực đàm phán với Triều Tiên của ông Trump chưa thành công. Ảnh: AFP. |
Trong số đó là Triều Tiên. Những dấu hiệu hứa hẹn từng xuất hiện đầu nhiệm kỳ của ông Trump, khi ông cố ngoại giao một - một với Triều Tiên.
Nhưng như những lần trước, giới lãnh đạo Triều Tiên có thể nói một kiểu nhưng chưa chắc đã theo đến cùng. Ông Trump không khiến vấn đề Triều Tiên xấu đi, nhưng ông cũng không đạt được gì đáng kể. Ông không cải thiện được quan hệ, cũng không thể khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Công bằng mà nói, đó là vấn đề chung của các tổng thống Mỹ khác, khi đều cố đàm phán với Triều Tiên, vận động để nước này gia nhập cộng đồng quốc tế đổi lại việc từ bỏ hạt nhân.
Chính sách của ông với Trung Quốc cũng chỉ 50 - 50. Theo một số góc nhìn, ông Trump đã cứng rắn với Trung Quốc về thương mại.
Ông nói thẳng là Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ theo nhiều cách như đóng cửa thị trường, đánh cắp công nghệ mà không trả tiền cho công ty Mỹ phát triển công nghệ.
Ông được ghi nhận vì đã cố hành động - đa phần người Mỹ cũng muốn ông hành động gì đó.
Nhưng nếu nhìn vào kết quả thực tế, ông không đạt được nhiều. Mỗi khi Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc, Trung Quốc áp thuế đáp trả. Chưa có đột phá nào. Hai bên không hợp tác, mà chỉ đối đầu với nhau, không ai tin tưởng ai, và còn phải lo về rủi ro quân sự.
Một lần nữa, chính sách Trung Quốc không phải thảm họa, nhưng cũng không thực sự là thành công.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Zing