Trong một bài phát biểu ngày 6/4 tại Cernobbio, Italy, nhà kinh tế Benoit Coeure, một thành viên Ban Điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết các nhà kinh tế ECB đã vạch ra viễn cảnh khi Mỹ tăng thuế đánh vào toàn bộ mặt hàng nhập khẩu thêm 10% và các đối tác thương mại của nước này có hành động trả đũa.
Theo tính toán của các chuyên gia ECB, nếu kịch bản này xảy ra, trao đổi hàng hóa trên toàn thế giới có thể sụt giảm tới 3% trong năm đầu tiên sau khi có sự thay đổi về các loại thuế quan, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu cũng giảm 1%.
Ông Coeure nhấn mạnh một cuộc chiến thương mại sẽ tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là chính nền kinh tế đi đầu trong việc tăng thuế. Cụ thể, GDP của Mỹ sẽ thấp hơn 2,5% sau một năm so với việc nước này không đưa ra các loại thuế mới. Trong năm 2009, nền kinh tế số một thế giới đã tăng trưởng âm 2,8% do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, GDP châu Âu cũng sẽ ghi nhận sự sụt giảm, song ít hơn Mỹ.
|
Vận chuyển hàng hóa tại cảng container ở Los Angeles, California (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN |
Cũng trong phát biểu của mình, mặc dù đánh giá tăng trưởng thương mại trong những thập kỷ gần đây đã giúp nâng cao đời sống của người dân các nước trên thế giới và sản lượng kinh tế nói chung, song ông Coeure lưu ý rằng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chịu nhiều thua thiệt. Tuy nhiên, quan chức ECB này cảnh báo việc đi ngược lại tiến trình toàn cầu hóa lại là "một giải pháp sai lầm" vốn sẽ "chỉ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng, hàng hóa trở nên đắt đỏ và thu nhập thực tế giảm". Điều này cũng sẽ làm lung lay sự tin tưởng giữa các quốc gia, kéo theo nguy cơ dẫn đến một trật tự quốc tế bất ổn hơn.
Do đó, ông Coeure khuyến cáo thay vì khiến căng thẳng thương mại gia tăng, chính phủ các nước nên vạch ra những chính sách giúp mang lại "những kết quả công bằng hơn" cho các công dân của mình.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Trump đã đưa ra những quyết sách làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Washington và các đối tác trên thế giới. Hôm 23/3 vừa qua, Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% với mặt hàng nhôm nhập khẩu, với lý do “an ninh quốc gia”. Đến ngày 3/4, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) lại công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể bị áp thuế bổ sung do "các hoạt động thương mại không công bằng" của Trung Quốc liên quan việc Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ.
Phản ứng trước động thái này, ngày 4/4, Trung Quốc đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế bổ sung 25% đối với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có đậu tương, xe ôtô và hóa phẩm.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang với các hành động được xem là "ăn miếng trả miếng" liên tiếp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/4 tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét tiếp tục tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, thay vì chỉ đánh thuế vào lượng hàng hóa có giá trị nhập khẩu 50 tỷ USD, Tổng thống Trump gợi ý tăng gấp đôi con số này lên 100 tỷ USD. Chỉ thị mới nhất này của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp đáp trả tương tự.
Giới phân tích nhận định mặc dù các biện pháp trả đũa thuế quan của cả Washington và Bắc Kinh chưa có hiệu lực, song việc 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đắm chìm trong "cuộc đấu giữa các cường quốc" không chỉ gây tổn hại cho cả 2 phía mà còn tác động bất lợi đến kinh tế toàn cầu.
Theo TTXVN/Báo Tin tức