'Chiêu trò' mua phiếu của chính phủ quân sự Thái Lan trước kỳ bầu cử

Google News

Trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2/2019, chính phủ quân sự Thái Lan đang bị cáo buộc can thiệp vào Ủy ban Bầu cử và áp dụng nhiều chính sách dân túy để giành được phiếu bầu.
 

Trước các biện pháp của chính quyền Thái Lan nhằm đánh bại lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong cuộc bầu cử vào năm tới, nội bộ nước này đang dậy lên làn sóng cáo buộc chính phủ mua bán phiếu bầu và can thiệp vào Ủy ban Bầu cử của nước này, theo Nikkei Asian Review.
Mới đây chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ bỏ ra khoảng 63 tỷ baht (1,9 tỷ USD) để hỗ trợ người có thu nhập thấp và người cao tuổi kể từ tháng 12. Đây là động thái nhằm thu hút những người ủng hộ đảng Pheu Thai và các đồng minh của đảng này - những người ủng hộ ông Shinawatra.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bác bỏ những cáo buộc này. “Tôi không muốn truyền thông nói rằng chính phủ Thái Lan chỉ chi tiền vì mục đích chính trị. Mọi chính sách được đưa ra đều căn cứ theo pháp luật. Đó chỉ là một sự trùng hợp”, ông nói.
'Chieu tro' mua phieu cua chinh phu quan su Thai Lan truoc ky bau cu
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã từ chối những cáo buộc nhằm vào chính phủ nước này trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 2/2019. Ảnh: AP. 
Chính sách dân túy
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Prayuth không thể thuyết phục được tất cả. “Sau 4 năm chính quyền quân sự Thái Lan đã không thể khiến người dân hạnh phúc hơn. Chính phủ áp dụng những chính sách này đối với người nghèo vì họ muốn được nhiều người ủng hộ”, Supavud Saicheua, cố vấn tại Tập đoàn tài chính Kiatnakin Phatra, nói với Nikkei Asian Review.
Bản thân ông Prayuth vẫn chưa tiết lộ kế hoạch sau bầu cử của mình, tuy nhiên một số thành viên trong nội các của ông đã gia nhập đảng Palang Pracharat có quan điểm ủng hộ chính phủ quân sự.
Gói hỗ trợ nhằm vào 14,5 triệu người sở hữu thẻ phúc lợi của chính phủ, tức những cá nhân có thu nhập dưới 100.000 baht/năm.
Gói hỗ trợ bao gồm việc miễn trừ hóa đơn tiền điện không quá 230 baht/tháng/hộ gia đình tính từ tháng 12/2018 - 9/2019; cấp một khoản tiền 500 baht/người trong tháng 12 tới và sau đó là 400 baht/tháng cho người trên 60 tuổi kể từ tháng 12/2018 - 9/2019.
Theo Nikkei Asian Review, những chính sách dân túy tương tự đã được chứng minh là có tác dụng trong quá khứ và trên thực tế, làm nên thương hiệu của các đảng có liên hệ với cựu thủ tướng Thaksin, đặc biệt là đảng Pheu Thai.
Ví dụ, từ năm 2011 - 2013, khi em gái ông Thaksin, bà Yingluck đang giữ chức thủ tướng Thái Lan, chính phủ nước này đã mua lại gạo của nông dân với giá 15.000 baht/tấn, gấp đôi giá gạo tại thị trường toàn cầu vào thời điểm đó.
'Chieu tro' mua phieu cua chinh phu quan su Thai Lan truoc ky bau cu-Hinh-2
 Cựu thủ tướng Yingluck, em gái ông Thaksin, bị kết án một năm tù giam vì tắc trách khi áp dụng chính sách mua gạo giá cao. Ảnh: Reuters.
Chính sách này khiến bà Yingluck phải lãnh án tù giam vào năm 2017 với việc bị kết án tắc trách khi triển khai chương trình, mặc dù khi đó bà cũng bỏ trốn ra nước ngoài giống anh trai. Tuy nhiên, gia đình Shinawatra và đảng Pheu Thai vẫn được rất nhiều nông dân và người có thu nhập thấp ủng hộ.
Đến năm 2016, vẫn còn khoảng 11% dân số Thái Lan sống dưới mức nghèo. Con số này vào năm 2000 là 21%. Mức lương trung bình vào khoảng 45.000 baht/tháng ở thủ đô Bangkok nhưng tại miền Bắc, Đông Bắc và vùng sâu phía Nam của Thái Lan, nơi các đảng đồng minh ông Thaksin chiếm ưu thế, mức lương này chỉ vào khoảng 25.000 baht.
Cáo buộc can thiệp bầu cử
Chính phủ quân sự Thái Lan hiện nay cũng bị cáo buộc cố gắng can thiệp vào Ủy ban Bầu cử bằng việc gây áp lực lên các đảng chống chính quyền. Vào tháng 10, chính quyền nước này đã khuyến khích Ủy ban Bầu cử mở cuộc điều tra nếu ông Thaksin vẫn kiểm soát đảng Pheu Thai. Luật pháp Thái Lan nghiêm cấm người Thái ở nước ngoài lãnh đạo đảng chính trị trong nước, và hình phạt cho tội này là giải thể đảng.
Cuộc điều tra đang được tiến hành tuy nhiên cháu trai, cháu gái của ông Thaksin và nhiều thành viên khác trong gia đình đã thành lập một đảng mới có tên Thai Raksa Chart vào đầu tháng 11, nhằm mục đích đảm nhiệm vai trò của Pheu Thai trong trường hợp đảng này bị giải thể.
'Chieu tro' mua phieu cua chinh phu quan su Thai Lan truoc ky bau cu-Hinh-3
 Người dân Thái Lan với hình ảnh biếm họa Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trong cuộc biểu tình tại Bankok ngày 24/2. Ảnh: Reuters.
Dư luận cũng đang dấy lên cáo buộc chính phủ nước này thao túng cuộc bầu cử năm 2019. Ngày 16/11, thủ tướng Thái Lan đã ra lệnh cho phép Ủy ban Bầu cử vẽ lại ranh giới các khu vực bầu cử.
Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết sẽ không thực hiện theo yêu cầu chỉnh sửa từ thủ tướng. Ban đầu cơ quan này thông báo sẽ công bố bản đồ vào giữa tháng 11, nhưng hiện đã bị trì hoãn đến cuối tháng này.
“Có thể các đảng ủng hộ chính phủ quân sự sẽ có được lợi thế từ yêu cầu chỉnh sửa này và dẫn tới việc các cử tri không công nhận kết quả bầu cử”, đại diện tổ chức Open Forum for Democracy Foundation, một tổ chức phi chính phủ giám sát cuộc bầu cử, nói với Nikkei Asian Review.
“Tôi tin rằng thủ tướng sẽ ban hành nhiều mệnh lệnh hơn để mở đường cho chính phủ quân sự tiếp tục nắm quyền”, một đảng viên cao cấp của Pheu Thai nói với tờ báo địa phương The Nation.
Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh tại Đại học Chulalongkorn, cũng đồng ý với ý kiến này. Ông nói: "Các đảng ủng hộ junta (chính quyền quân sự) đang gấp rút chạy đua, bởi vì họ không có đủ sự hỗ trợ để bảo đảm cho cuộc bầu cử sắp tới".
Theo Hương Lý/Zing.vn