Giới chức y tế Anh đang điều tra nguyên nhân cái chết của một bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Queen Elizabeth. Trong khi đó, bệnh nhân thứ hai, một người cao tuổi, bị nhiễm loại nấm này nhưng qua đời vì một nguyên nhân không liên quan.
Giới chức trách bệnh viện lập tức triển khai các biện pháp kiểm soát sau khi phát hiện hai trường hợp nhiễm nấm cryptococcus nói trên.
Theo đài BBC hôm 19-1, nguồn gây bệnh bị cho là xuất phát từ một phòng kín chứa máy móc. Trường hợp bị nhiễm trùng do hít phải nấm cryptococcus, phần lớn được tìm thấy trong đất và phân chim bồ câu.
|
Các biện pháp phòng ngừa đang được triển khai trong bệnh viện. Ảnh: Sky News |
Một phát ngôn viên của Hội đồng y tế Greater Glasgow and Clyde (NHSGCC) cho biết: "Chúng tôi chia buồn với các gia đình bệnh nhân. Do bảo mật thông tin bệnh nhân nên chúng tôi không thể cung cấp chi tiết về hai trường hợp này. Tuy nhiên, chim bồ câu thường vô hại với đa số mọi người và hiếm khi gây bệnh ở người".
Hội đồng y tế này cho hay một số trẻ nhỏ và bệnh nhân ở bệnh viện có nguy cơ bị lây nhiễm đang được cho dùng thuốc ngăn ngừa.
Các máy lọc không khí di động cũng được lắp đặt ở một số khu vực để phòng ngừa bổ sung.
Bà Teresa Inkster, chuyên gia tư vấn chính của NHSGCC về kiểm soát nhiễm trùng, cho biết: "Cryptococcus có mặt trong môi trường trên toàn thế giới và hiếm khi gây nhiễm trùng ở người. Mọi người có thể nhiễm loại nấm siêu nhỏ này nhưng hầu hết không mắc bệnh. Trong thời gian này, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi chất lượng không khí và những kết quả này đang được phân tích".
Theo chuyên gia này, ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo môi trường an toàn cho các bệnh nhân và nhân viên trong bệnh viện.
GS Hugh Pennington tại Trường ĐH Aberdeen cho biết ông rất ngạc nhiên khi được biết về các trường hợp nhiễm loại nấm này bởi đó là điều bất thường ở Anh. "Chúng khá phổ biến ở các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới và ở Mỹ... Những người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ mắc bệnh cao nhất".
Theo Xuân Mai/NLĐ