Quốc gia châu Phi bắt đầu căng thẳng từ ngày 13/11 khi ông Constantino Chiwenga, Tư lệnh của Lực lượng Quốc phòng Zimbabwe, nói ông đã chuẩn bị "can thiệp" để chấm dứt hoạt động thanh trừng người ủng hộ phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa.
Ông Mnangagwa bị ông Mugabe cách chức vào tuần trước để giúp vợ, bà Grace Mugabe, dễ dàng kế nhiệm chức tổng thống, theo Reuters. Chỉ mới mấy tháng trước, ông Mnangagwa - một cựu tướng lĩnh có biệt danh "Cá sấu" - được xem là người kế nhiệm ông Mugabe.
Các quan chức cho biết Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, 93 tuổi, chủ trì một cuộc họp nội các tại thủ đô vào ngày 14/11. Sau đó, đảng cầm quyền ZANU-PF ra thông báo cáo buộc ông Chiwenga có "hành vi làm phản để kích động nổi dậy".
Chỉ 24 giờ sau đó, một phóng viên của Reuters nhìn thấy nhiều xe bọc xe thép trên những trục đường chính của thủ đô.
|
Xe bọc thép, xe quân sự xuất hiện tại thủ đô Harare. Ảnh: Zimbabwe Mail. |
Hai tiếng sau, các binh sĩ đến trụ sở chính của ZBC, đài phát thanh chính của Zimbabwe, và yêu cầu các nhân viên tại đây rời đi. Theo lời kể của các nhân chứng, có rất nhiều người tại ZBC bị đưa đi một cách thô bạo.
Một lúc sau, 3 vụ nổ làm rung chuyển trung tâm của thủ đô Harare theo lời kể của các nhân chứng.
Mặc dù quân đội có mặt tại nhiều địa điểm khắp Harare, họ vẫn chưa đưa ra thông báo nào về những vấn đề liên quan đến ông Mugabe - người nắm quyền ở Zimbabwe suốt 37 năm qua.
Về phía chính phủ, chỉ có ông Isaac Moyo, đại sứ Zimbabwe tại Nam Phi, lên tiếng chính thức. Ông Moyo khẳng định chính phủ vẫn "nguyên vẹn" và đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông đưa tin sai lệch.
Theo Bảo Hạnh/Báo Người Lao Động