Quy mô Chính phủ cồng kềnh
Thomas M. Skypek, thành viên Viện đánh giá quốc gia (NRI) và là học giả tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) trong bài viết đăng tải trên tạp chí National Interest cho rằng, Chính phủ liên bang đã trở thành “cỗ máy Rube Goldberg” [cỗ máy Rube Goldberg là hệ thống dây chuyền phản ứng phức tạp được thiết kế từ những vật đơn giản nhất-ND] cuối cùng được thiết kế với quyền lực được giới hạn trong Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, bộ máy Chính phủ liên bang quá cồng kềnh, phức tạp khi "ôm đồm" đến 800.000 nhân viên không cần thiết.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa đóng cửa chính phủ trong vài năm. Ảnh: AFP. |
Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần làm sáng tỏ một sự thật phũ phàng là Chính phủ có quy mô lớn hơn cần thiết và người dân hoàn toàn có thể có được một Chính phủ với quy mô nhỏ hơn nhưng làm việc hiệu quả hơn. Những người phải đóng thuế đầy đủ có thể nhận ra rằng họ không phải chi những đồng tiền “mồ hôi xương máu” của mình cho một Chính phủ cồng kềnh như vậy.
Trên thực tế, hầu hết người dân Mỹ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc đóng cửa Chính phủ vì vai trò của Chính phủ liên bang bị giới hạn bởi Hiến pháp cho dù một bộ máy quan liêu quá lớn và quá phức tạp đã được tạo ra để quản lý nó.
Câu chuyện về viễn cảnh sụp đổ u ám liên quan đến việc đóng cửa Chính phủ có thể đơn thuần là sự hư cấu. Các dịch vụ chính vẫn được cung cấp; dịch vụ đảm bảo an sinh xã hội không bị ảnh hưởng và quân đội vẫn được trả lương; trường học vẫn hoạt động bình thường trong bối cảnh vai trò của Bộ Giáo dục bị hạn chế; luật pháp và trật tự vẫn được duy trì dù Bộ Tư pháp không hoạt động đầy đủ; người dân Mỹ vẫn có thể đổ đầy bình xăng của họ dù Bộ Năng lượng không có đầy đủ nhân viên như bình thường. Mặt trời vẫn mọc trên đất Mỹ và người dân vẫn tiếp tục tạo ra giá trị kinh tế cho đất nước, ngày này qua ngày khác như không có chuyện gì xảy ra.
Chính phủ liên bang đã “phình to” vượt xa những gì mà chức năng và nhiệm vụ của nó cần đến. Điều này dẫn đến việc thừa thãi lượng lớn nhân viên – những người được hưởng mức lương và phúc lợi lớn hơn các đồng nghiệp trong khu vực tư nhân.
Có thể nói, đối với bất kỳ ai từng làm việc trong khu vực tư nhân, khái niệm “nhân viên không quan trọng” thực sự là rất khó hiểu. “Có bao nhiêu nhân viên tại nơi làm việc của bạn được cho là không cần thiết vì năng suất lao động thấp của họ?”, Thomas M. Skypek đặt câu hỏi.
Trong năm tài chính 2016, người Mỹ trong diện nộp thuế ở Mỹ đã chi khoảng 215 tỷ USD để trả cho các nhân viên dân sự liên bang, con số này gần tương đương với tổng số vốn hóa thị trường của một công ty như Wells Fargo và lớn hơn cả Coca-Cola. Cứ mỗi 5 nhân viên trong biên chế Chính phủ hiện tại thì có 2 người được cho là không cần thiết, khiến người nộp thuế phải trả cho họ khoảng 86 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Tổng thống chỉ yêu cầu chi 5 tỷ USD cho bức tường biên giới với Mexico. Trở thành nhân viên của Chính phủ cũng đồng nghĩa với cuộc sống sung túc, mức lương và lợi ích xã hội thường vượt xa khu vực tư nhân.
Tổng thống Trump sẽ ra tay?
Theo ông Thomas M. Skypek , Tổng thống Donald Trump nên tận dụng cơ hội này để vạch trần việc Chính phủ đã trở nên lãng phí như thế nào và nỗ lực phối hợp để khắc phục tình trạng hiện nay, thúc đẩy cải cách để đưa Chính phủ trở lại đúng quy mô cần thiết.
Ông Trump cũng nên chỉ đạo các quan chức trong Nội các tiến hành đánh giá về các bộ phận, đơn vị mà họ quản lý, tập trung vào các vị trí nhân viên bị cho là không quan trọng, phân tích chức năng trên thực tế ngoài chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Hiến pháp để đưa ra biện pháp cân chỉnh cho hợp lý.
Ngay cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nên tiến hành rà soát lại lực lượng nhân viên dân sự của bộ này. Dù vấn đề an ninh quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu và các binh sĩ phải luôn được đảm bảo chế độ đầy đủ nhưng lực lượng không trực tiếp tham chiến trong Bộ Quốc phòng đã và đang tăng lên nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây.
Cho đến nay, bất đồng liên quan đến việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico vẫn được coi là nguyên nhân chính gây ra khúc mắc giữa phe Dân chủ và Cộng hòa khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Trong khi Tổng thống Trump dường như đã chuẩn bị cho một “cuộc chiến dài hơi” sẵn sàng duy trì tình trạng đóng cửa một phần chính phủ Mỹ trong nhiều năm thì chưa ai có thể dám chắc, một Tổng thống khó đoán định như ông Trump có làm “tiện tay” giải quyết tình trạng “Chính phủ quá khổ” như hiện nay hay không.
Theo Hùng Cường/VOV.VN