Tiến sĩ trẻ Josiah Zayner 36 tuổi đã biểu diễn tiêm gen chỉnh sửa di truyền vào cơ thể của chính mình tại một hội thảo về công nghệ sinh học ở San Francisco hồi tháng 10-2017.
Thay gạch mà không cần đập tường
Tiến sĩ Zayner đã tiêm hai tác nhân hóa học có tác dụng ức chế myostatin là chất protein kiểm soát tăng trưởng cơ bắp con người. Theo Zayner, sau khi bị ức chế, myostatin đã bị vô hiệu hóa chức năng, nhờ đó cơ bắp sẽ thoải mái phát triển gấp đôi. Nếu đúng như thế thì cơ thể rất hình thành cơ bắp cuồn cuộn chẳng khác gì lực sĩ Phạm Văn Mách.
Trong đoạn băng video phát trên YouTube, anh khẳng định: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta ngừng phụ thuộc vào hệ di truyền của chúng ta".
|
Tiến sĩ vật lý sinh học phân tử Josiah Zayner - Ảnh: The Odin |
Trên tạp chí Pourquoi docteur của Pháp, tiến sĩ Philippe Montereau giải thích rằng Josiah Zayner đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gen được gọi là CRISPR (nhóm các đoạn ngắn đối xứng lặp lại thường xuyên) như cây kéo phân tử để cắt bỏ các phần gen này và thay vào đó bằng các phần gen khác.
Một số người nói rằng tôi muốn tự tử nhưng tôi vẫn còn sống đây"
Josiah Zayner nói về chuyện tiêm gen chỉnh sửa di truyền
Kỹ thuật CRISPR bắt đầu phát triển vào năm 2012 nhằm điều trị các bệnh di truyền bằng cách thay các đoạn ADN xấu bằng gen mới tốt hơn như thay gạch trên bức tường mà không cần đập bỏ bức tường ấy.
Trong hội thảo ở San Francisco (Mỹ), Zayner đã giới thiệu hộp thiết bị chỉnh sửa gen và khẳng định với hộp thiết bị này, ai cũng có thể tự chỉnh sửa ADN ở nhà mà không cần đến bác sĩ hay nhà chuyên môn nào.
|
Hộp thiết bị nghiên cứu kỹ thuật CRISPR - Ảnh: The Odin |
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) rất quan tâm đến công trình nghiên cứu của Josiah Zayner và đã thường xuyên trao đổi với anh. Song giới khoa học lại tỏ ra hoài nghi. Các nhà khoa học cảnh báo tùy tiện sử dụng hộp thiết bị điều chỉnh ADN sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn khó kiểm soát.
Ngoài ra, dù sử dụng trong phòng thí nghiệm hiện đại nhất, kỹ thuật CRISPR cũng không đạt mức chính xác 100%. Một gen khác gần gen định chỉnh sửa có thể sẽ bị thay đổi, từ đó dẫn tới bệnh tật do thiếu gen di truyền hoặc phát sinh bệnh ung thư.
Chuyên gia hóa sinh Dana Carroll đồng thời là chuyên gia về kỹ thuật CRISPR ở Đại học Utah nhận xét quá liều lĩnh khi tiêm ADN đã chỉnh sửa trong môi trường không vô trùng.
Mời độc giả xem Những loại gen nào khiến con người trở nên thông minh? (Mguồn: Vietnamnet):
FDA chưa cho phép
Đến nay kỹ thuật sinh học phân tử CRISPR chỉ được sử dụng trong ống nghiệm (tức bên ngoài cơ thể) để quan sát kết quả trước khi được tiêm vào các tế bào chỉnh sửa.
Một nhóm nhà khoa học có kinh nghiệm vừa mới thực hiện kỹ thuật CRISPR lần đầu tiên trên cơ thể con người nhưng họ cũng thừa nhận kiến thức thu thập được chỉ "được chăng hay chớ".
Nhà nghiên cứu Josiah Zayner cho biết vết tiêm trực tiếp ADN đã chỉnh sửa vào cơ thể của anh chưa bộc lộ hiệu quả cụ thể nào đối với cơ bắp. Anh cũng thừa nhận trong quá trình thí nghiệm trên chuột, cần phải cần tiêm nhiều lần mỗi tuần kéo dài nhiều tháng.
Tuy nhiên, với tuyên bố giật gân được giới truyền thông loan tải, Zayner có thể sẽ ăn nên làm ra với hộp thiết bị chỉnh sửa ADN bởi hiện nay chỉ có công ty của anh là đơn vị duy nhất bán loại hộp thiết bị này với điều kiện Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép. Song mới đây FDA đã chính thức thông báo cấm kinh doanh hộp thiết bị tự điều chỉnh gen di truyền.
FDA thừa nhận kỹ thuật CRISPR mang lại nhiều lợi ích nhưng khuôn khổ pháp lý hiện nay vẫn chưa có. Hiện nay, kỹ thuật CRISPR đã bị cấm sử dụng trên phôi thai ở Canada nhưng lại phát triển ở Trung Quốc.
Bỏ NASA lập công ty khởi nghiệp
Năm 16 tuổi, lần đầu tiên ngồi trước chiếc máy tính là công sức của bà mẹ đã cố làm quần quật kể cả ngày cuối tuần, Zayner mê chiếc máy như điếu đổ nên lao vào tìm tòi và tự học lập trình.
Năm 19 tuổi, anh đã tìm được việc làm lập trình viên cho hãng Motorola. Sau đó, anh đăng ký học đại học để nghiên cứu thêm về sinh học. Lấy bằng tiến sĩ vật lý sinh học phân tử tại Đại học Chicago với học bổng của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), Zayner làm việc cho NASA với công việc nghiên cứu vi khuẩn trên sao Hỏa.
Dần dà Zayner nhanh chóng nhận ra lối làm việc quan liêu đã giết chết sáng tạo. Anh bỏ việc, sau đó năm 2015 thành lập công ty khởi nghiệp The ODIN chuyên bán thiết bị lắp ráp khoa học cho những người yêu thích nghiên cứu ở nhà và các trường học.
Theo Hoàng Duy Long/Tuổi Trẻ