Một công ty quảng cáo có trụ sở tại thành phố Tây An, Thiểm Tây (Trung Quốc) đã chuyển địa điểm từ khu thương mại trung tâm thành phố đến khu vực miền núi xa xôi nhằm buộc nhân viên tự xin nghỉ việc, thay vì bị sa thải và nhận bồi thường.
Sự việc được đưa ra ánh sáng sau khi một cựu nhân viên họ Chang lên tiếng vạch trần. Anh Chang mô tả địa điểm mới của công ty ở dãy núi Tần Lĩnh là cực kỳ xa xôi, hẻo lánh ở tỉnh Thiểm Tây. Để đến nơi này cần phải tốn 2 giờ đồng hồ cho mỗi chiều đi về và khả năng tiếp cận phương tiện giao thông công cộng bị hạn chế.
|
Công ty Trung Quốc chuyển địa điểm từ khu thương mại trung tâm thành phố đến khu vực miền núi xa xôi nhằm buộc nhân viên tự xin nghỉ việc. Ảnh minh họa: OC. |
Chang nói: "Các đồng nghiệp của tôi không có phương tiện đi lại riêng nên phải dựa vào xe buýt cách 3 giờ mới có một chuyến, sau đó đi bộ thêm 3 km nữa qua những con đường núi để đến văn phòng".
Anh cho biết thêm, nếu bắt taxi từ ga xe lửa gần nhất thì tốn từ 50 - 60 nhân dân tệ (hơn 170.000 - 200.000 đồng) và công ty từ chối trợ cấp đi lại.
Chang cũng nhấn mạnh về chất lượng kém, điều kiện làm việc không an toàn và thiếu tiện nghi phù hợp ở trụ sở làm việc mới này. Các nữ nhân viên thậm chí còn phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở ngôi làng gần nhất, cách đó một quãng đi bộ dài.
Người đàn ông này cũng bày tỏ lo ngại về sự an toàn của các nhân viên trên đường trở về nhà lúc tối muộn, do một số chó hoang trong khu vực thường bám theo người đi đường.
Đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt kể trên, 14 trong số trên 20 nhân viên nộp đơn thôi việc sau những lần khiếu nại bất thành. Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau khi nghỉ việc, họ bất ngờ phát hiện ra công ty đã chuyển lại về trung tâm thành phố và đang tích cực tuyển dụng nhân viên mới.
Các nhân viên nghi ngờ công ty đã cố tình tạo ra những điều kiện khắc nghiệt để buộc họ phải xin nghỉ việc, nhưng Zhang - đại diện công ty bác bỏ cáo buộc và cho rằng động thái này chỉ là biện pháp tạm thời để giảm chi phí.
"Giá thuê mặt bằng ở khu trung tâm thương mại cao và văn phòng mới đang được cải tạo. Chúng tôi đang vận hành một khu phòng nghỉ cho thuê nên tạm thời chuyển đến đó một tuần", Zhang nói.
Người này cho biết công ty đang xem xét kiện các nhân viên vì đã làm hoen ố danh tiếng của công ty và có thể gây ra tổn thất cho việc kinh doanh.
Mặc khác, dù Zhang nói rằng việc chuyển địa điểm công ty vốn chỉ dự định diễn ra trong một tuần nhưng các nhân viên đã bác bỏ tuyên bố đó. Họ được biết thời gian làm việc ở vùng núi xa xôi có thể rất dài, thậm chí đến tận năm sau. Nếu chỉ trong một tuần thì họ đã có thể chịu đựng được điều kiện làm việc tạm thời này.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, phần lớn các bình luận đứng về phía các nhân viên cũ, cáo buộc công ty có hành vi thao túng và thậm chí vi phạm hợp đồng lao động tiêu chuẩn, trong đó nêu rõ địa điểm làm việc. Việc thay đổi địa điểm làm việc ban đầu mà không có sự đồng ý của nhân viên là vi phạm hợp đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Tên cướp đâm nhân viên bảo vệ Thế Giới Di Động bị bắt
Thảo Nguyên (Theo OC)