Cuộc bầu cử lớn nhất thế giới
Giai đoạn 1 của cuộc Tổng tuyển cử bầu Hạ viện Ấn Độ năm 2024 chính thức bắt đầu tại 21 bang và vùng lãnh thổ liên bang trên khắp Ấn Độ. Cuộc Tổng tuyển cử năm nay tại Ấn Độ sẽ được diễn ra theo 7 giai đoạn kéo dài từ ngày hôm nay (19/4) tới ngày 1/6, kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố vào ngày 4/6.
Cuộc Tổng tuyển cử năm nay được coi là cuộc bỏ phiếu lớn nhất thế giới, và cũng là lớn nhất trong lịch sử nhân loại với 969 triệu cử tri Ấn Độ đủ tiêu chuẩn đi bầu. Sẽ có tổng cộng 5,5 triệu máy bỏ phiếu điện tử được huy động phục vụ tại hơn 1 triệu điểm bỏ phiếu. Thời gian diễn ra cuộc bầu cử cũng được coi là kỷ lục, lên tới 44 ngày. Lý do chính khiến Ấn Độ phải tổ chức bầu cử trên cả nước theo giai đoạn và kéo dài là vì vấn đề an ninh. Với đặc thù diện tích rộng lớn, dân số đông nhất thế giới (lên tới hơn 1,4 tỷ người), đa dạng về các nhóm dân cư, thu nhập, tôn giáo, đẳng cấp, Ấn Độ phải huy động tối đa lực lượng an ninh để đảm bảo trật tự và bình yên trong toàn bộ thời gian bầu cử, không chỉ tại các điểm bỏ phiếu mà còn cả các địa điểm trọng yếu. Chính vì thế, việc tổ chức bỏ phiếu chỉ 1 lần trên toàn lãnh thổ là điều bất khả thi.
Cuộc Tổng tuyển cử bắt đầu hôm nay sẽ chọn ra các nghị sỹ đại diện cho 543 ghế tại Hạ viện Ấn Độ khóa mới, trước khi Hạ viện khóa này kết thúc nhiệm vụ vào ngày 16/6. Cuộc bầu cử ở Ấn Độ sẽ chứng kiến sự cạnh tranh của nhiều đảng ở cấp quốc gia và khu vực. Nổi lên trong cuộc Tổng tuyển cử lần này là hai liên minh chính đang trực tiếp đối đầu ở cấp quốc gia. Đó là Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, và một liên minh gồm 28 đảng, được gọi là Liên minh Toàn diện Phát triển Quốc gia Ấn Độ (INDIA), do đảng Quốc đại lãnh đạo.
Đảng của Thủ tướng Modi đang giành ưu thế
Các cuộc thăm dò dư luận sát giờ bỏ phiếu cho thấy, liên minh NDA do đảng BJP lãnh đạo đang đứng trước một chiến thắng lớn, lần thứ 3 liên tiếp trong cuộc Tổng tuyển cử năm nay. Cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền hình NDTV công bố, phân tích dữ liệu từ 9 cuộc thăm dò dư luận trước đó cho thấy, Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) dự kiến sẽ giành được 365 trong số 543 ghế của Hạ viện khóa mới. Con số này nhiều hơn khoảng 3,4% so với con số 353 ghế mà NDA giành được trong cuộc bầu cử năm 2019.
Trong khi đó, khối Liên minh Toàn diện Phát triển Quốc gia Ấn Độ của phe đối lập có khả năng giành được 122 ghế. Con số này tăng 35% so với 90 ghế mà Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) - khối đối lập do đảng Quốc đại lãnh đạo giành được vào năm 2019.
Các cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi có thể thống trị khu vực nói tiếng Hindi ở miền Bắc và miền Tây và sẽ giành được chiến thắng rõ ràng ở 8 bang và vùng lãnh thổ liên bang. Tuy nhiên, BJP có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh sát sao ở hai bang – Tây Bengal ở miền Đông và Maharashtra ở Tây Nam đất nước.
Những dự báo này phản ánh khá sát bối cảnh chính trường Ấn Độ vào lúc này khi đảng cầm quyền BJP, với đại diện là Thủ tướng Narendra Modi đang giành được sự tín nhiệm của người dân Ấn Độ qua những thành quả đã đạt được suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua. Trước tiên là các chương trình phúc lợi hào phóng dành cho người dân khiến uy tín của Chính phủ lên cao. Chúng bao gồm phát ngũ cốc miễn phí cho 800 triệu người Ấn Độ, trợ cấp khí đốt và hỗ trợ tiền mặt cho phụ nữ thuộc các gia đình có thu nhập thấp. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Chính phủ Ấn Độ đã giúp 250 triệu người Ấn Độ thoát nghèo. Đây là điều tạo ấn tượng tốt với đa số cử tri.
Những người ủng hộ BJP và Thủ tướng Modi cũng có thể tự hào về các thành tích kinh tế của Ấn Độ trong 10 năm vừa qua. Ấn Độ tiếp tục duy trì vị trí là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới 3 năm liên tiếp, với dữ liệu chính thức cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 8,4% trong quý từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái, cao hơn mức 7,6% được ghi nhận trong ba tháng trước đó. Chiến lược tập trung vào phát triển hạ tầng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong những năm qua của Chính phủ do BJP lãnh đạo cũng tạo ra những dấu ấn đậm nét.
Thách thức cho chính phủ mới
Chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện, để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp lãnh đạo đất nước Ấn Độ là điều nằm trong tầm tay của BJP cũng như cá nhân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức mới cho Chính phủ khóa tới khi nền kinh tế và xã hội Ấn Độ đang đối mặt với những vấn đề mang tính chất căn cốt nhất.
Trước tiên, nền kinh tế Ấn Độ hiện nay có thể đang hoạt động tốt theo tiêu chuẩn thế giới. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, đang có những mâu thuẫn nội tại diễn ra bên trong. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Ấn Độ giai đoạn 5 năm qua (bao gồm cả trong đại dịch Covid-19) chỉ là 4,4%. Mặc dù trong 3 năm qua, con số này trung bình là 8,3%. Muốn hoàn thành được mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047, Ấn Độ cần duy trì tăng trưởng khoảng 7,5% trong hai thập kỷ tới, khi nước này trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Hiện tại, Ấn Độ với thu nhập bình quân đầu người là 2.412 USD, vẫn bị coi là quốc gia có thu nhập thấp; trong khi Trung Quốc với 12.720 USD được coi là quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Thách thức của Ấn Độ hiện nay là tham gia vào một thế giới đang bị chia tách thành hai khối đối lập. Con đường phát triển sắp tới của nước này sẽ trải ra trong điều kiện mà chế độ thương mại mở đặc trưng cho toàn cầu hóa đã kết thúc. Ấn Độ nếu muốn trở thành một cường quốc sản xuất sẽ phải xây dựng cho mình vị thế của một gã khổng lồ về thương mại ở quy mô toàn cầu.
Vấn đề lớn nữa của Ấn Độ trong 5 năm tiếp theo là phải tạo đủ việc làm cho dân số 1,4 tỷ người của mình. Áp lực việc làm diễn ra trong bối cảnh biến động thị trường toàn cầu, sự phát triển của công nghệ. Tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp ở Ấn Độ hiện là 43% so với 25% ở Trung Quốc và dưới 2% ở Mỹ.
Nếu Ấn Độ muốn giảm số việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp xuống 15%, nước này sẽ cần tạo ra thêm 93 triệu việc làm mới trong 25 năm tới. Việc chuyển người dân từ nông thôn sang môi trường thành thị, nơi họ có thể cải thiện cuộc sống của mình, cần tới nỗ lực to lớn trong quá trình đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng, cả về vật chất và giáo dục trong nước. Ngoài ra, một trong những thách thức đặc biệt đối với Ấn Độ là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động.
Theo Phan Tùng/VOV